CHƯƠNG TRÌNH
VIDEO CLIPS
Video
Văn phòng Luật sư Hà Tĩnh
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

Tư vấn - 0974.707.418
Hôm nay: 624 | Tất cả: 1,413,073
LIÊN KẾT FACEBOOK
 
TIN TỨC | TIN PHÁP LUẬT Bản in
 
Những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự
Tin đăng ngày: 14/2/2019 - Xem: 5550
 

Điều 29 Bộ Luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm2017) quy định có hai trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự (TNHS) là có thể được miễn TNHS và đương nhiên được miễn. Trong phạm vi bài viết này tôi sẽ phân tích các trường hợp có thể được miễn TNHS.

 Những trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự

Quy định về trường hợp có thể được miễn TNHS mang tính tuỳ nghi, nghĩa là ngoài việc căn cứ vào điều kiện được nêu dưới đây, cơ quan có thẩm quyền còn phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội cũng như khả năng giáo dục, cải tạo của họ,… để quyết định miễn hay không miễn TNHS cho người phạm tội.

Trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm a khoản 2 Điều 29)

Theo quy định của điều luật, lý do được miễn TNHS trong trường hợp này là do sự chuyển biến của tình hình dẫn tới người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Về cụm từ “chuyển biến của tình hình” theo quy định này đến nay còn nhiều cách hiểu chưa thống nhất:

Quan điểm thứ nhất cho rằng “chuyển biến của tình hình” là sự chuyển biến khách quan, nghĩa là xuất phát từ thực tiễn khách quan. Do có sự thay đổi về điều kiện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội xét thấy việc truy cứu TNHS đối với người phạm tội là không còn phù hợp. Nguyên nhân làm cho họ không còn nguy hiểm nữa chính là do tình hình xã hội thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ.

Quan điểm thứ hai cho rằng sự “chuyển biến của tình hình” xuất phát từ sự thay đổi của chính người phạm tội. Khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là lý do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn TNHS cho họ.

Ngoài ra, trong trường hợp người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn TNHS cho họ để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó cũng được coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Mặc dù tồn tại nhiều quan điểm khác nhau nhưng theo quan điểm của tác giả “chuyển biến của tình hình” trong quy định này có thể được hiểu kết hợp hai hướng, vừa bao gồm yếu tố khách quan của tình hình kinh tế - xã hội nói chung, vừa bao gồm yếu tố chủ quan khởi nguồn từ chính những nỗ lực của bản thân họ khắc phục sai lầm, xây dựng lối ứng xử tích cực, nghĩa cử cao đẹp. Chính những yếu tố này làm người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội, nên việc áp dụng những chế tài hình sự là không cần thiết. Việc áp dụng miễnTNHS cho những đối tượng này giúp tạo điều kiện cho người phạm tội cơ hội được “phục thiện” ngay trong chính môi trường xã hội, không cần trải qua quá trình giáo dục cải tạo. Sự ghi nhận này không chỉ đảm bảo nguyên tắc công bằng, nhân đạo của Luật Hình sự mà cao hơn nữa đó là sự động viên, khuyến khích người phạm tội tích cực tự cải tạo, giáo dục. Lúc này miễn TNHS đóng vai trò vừa là mục đích hướng đến, vừa là động lực thúc đẩy người phạm tội quyết tâm cải tạo.

Trường hợp người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa (điểm b khoản 2 Điều 29)

Nhằm đáp ứng nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự, BLHS năm2015 đã bổ sung thêm một trường hợp quy định về biện pháp miễn TNHS, đó là trường hợp: “Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa”. Như vậy,để xem xét được miễn theo trường hợp này, người phạm tội phải thoả mãn hai yếu tố cơ bản: (1) mắc bệnh hiểm nghèo và (2) tình trạng bệnh hiểm nghèo dẫn tới bản thân họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội.

Các loại bệnh hiểm nghèo được xem xét miễn TNHS vẫn chưa được các văn bản hướng dẫn BLHS quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong một số văn bản pháp luật khác đã có những quy định về vấn đề này như sau. Theo định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 02/2014/NĐ-CP: “Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của Bộ Y tế”. Ngoài ra, còn có Danh mục các loại bệnh hiểm nghèo ban hành kèm theo Côngvăn số 6383/BTC-TCT có liệt kê 42 loại bệnh, bao gồm: “1. Ung thư, 2. Nhồi máu cơ tim lần đầu, 3. Phẫu thuật động mạch vành, 4. Phẫu thuật thay van tim, 5. Phẫu thuật động mạch chủ, 6. Đột quỵ, 7. Hôn mê, 8. Bệnh xơ cứng rải rác, 9. Bệnh xơ cứng cột bên teo cơ, 10. Bệnh Parkinson, 11. Viêm màng não do vi khuẩn, 12. Viêm não nặng, 13. U não lành tính, 14. Loạn dưỡng cơ, 15. Bại hành tủy tiến triển, 16. Teo cơ tiến triển, 17. Viêm đa khớp dạng thấp nặng, 18. Hoại thư do nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết, 19. Thiếu máu bất sản, 20. Liệt hai chi, 21. Mù hai mắt, 22. Mất hai chi, 23. Mất thính lực, 24. Mất khả năng phát âm, 25. Thương tật toàn bộ và vĩnh viễn, 26. Suy thận, 27. Bệnh nang tủy thận, 28. Viêm tụy mãn tính tái phát, 29. Suy gan, 30. Bệnh Lupus ban đỏ, 31. Ghép cơ quan (ghép tim, ghép gan, ghép thận), 32. Bệnh lao phổi tiến triển, 33. Bỏng nặng, 34. Bệnh cơ tim, 35. Bệnh Alzheimer hay sa sút trí tuệ, 36. Tăng áp lực động mạch phổi, 37. Bệnh rối loạn dẫn truyền thần kinh vận động, 38. Chấn thương sọ não nặng, 39. Bệnh chân voi, 40. Nhiễm HIV do nghề nghiệp, 41. Ghép tủy, 42. Bại liệt”. Những loại bệnh được đề cập trên đây đều là những căn bệnh nguy hiểm, có phương thức chữa trị phức tạp hoặc không có phương pháp điều trị. Việc xác định tình trạng bệnh hiểm nghèo thông thường phải dựa trên kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên theo quy định tại điểm a khoản 2.1 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt: “Mắc bệnh hiểm nghèo là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị”.

Ngoài yếu tố điều kiện cần được đề cập trên đây, điều kiện đủ để người phạm tội được miễn TNHS theo quy định này đó là tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo phải dẫn tới bản thân họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội. Tức là có yếu tố chứng minh rằng với tình trạng bệnh như vậy đã loại bỏ được tính chất nguy hiểm của họ đối với xã hội thì có thể được miễn TNHS, chẳng hạn như: bị suy giảm về khả năng nhận thức, không có khả năng tự mình thực hiện và điều khiển hành vi,... Việc không yêu cầu họ chịu chế tài hình sự sẽ tạo điều kiện chữa trị bệnh tật để có cơ hội kéo dài sự sống. Điều này thể hiện tính nhân văn, đề cao quyền con người, trân trọng quyền sống của người phạm tội trong BLHS.

Trường hợp người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận(điểm c khoản 2 Điều 29)

Để có thể được miễn TNHS theo điều khoản này, người phạm tội cần phải hội tụ đủ các yêu cầu được liệt kê tại điểm c khoản 2 Điều 29 BLHS năm2015. So với quy định tại khoản 2 Điều 25 BLHS năm1999 thì quy định này trong BLHS năm2015 chặt chẽ hơn do có sự bổ sung thêm điều kiện “lập công lớn” hoặc “có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận”.

Theo Công văn số 81/2002 của Toà án nhân dân tối cao ngày 10/06/2002 về việc giải đáp các vấn đề nghiệp vụ trong giải quyết hình sự, dân sự, hôn nhân – gia đình, tố tụng dân sự, hành chính và lao động thì: Tự thú là tự mình nhận tội và khai ra hành vi phạm tội của mình, trong khi chưa ai phát hiện được mình phạm tội. Người nào bị bắt, bị phát hiện về một hành vi phạm tội cụ thể, nhưng trong quá trình điều tra đã tự mình nhận tội và khai ra những hành vi phạm tội khác của mình mà chưa bị phát hiện, thì cũng được coi là tự thú. Bằng quy định trên đã thể hiện rõ tính chất nhân đạo của pháp luật hình sự: luôn khoan hồng đối với những người thực hiện tội phạm có hành vi tích cực biểu hiện sự ăn năn hối cải của mình và tích cực ngăn chặn hậu quả nguy hại do hành vi này gây ra.

Cần lưu ý tự thú khác với đầu thú. Đầu thú là có người đã biết mình phạm tội, nhưng biết không thể trốn tránh được nên đến cơ quan có thẩm quyền trình diện để cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp này cũng thể hiện sự ăn năn, hối cải của người phạm tội nên theo Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp “Hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú”, thì các trường hợp này đều được coi là tự thú nhưng đâykhông thuộc trường hợp xét miễn TNHS.

Người tự thú có thể được miễn TNHS khi có đủ những điều kiện sau:

Phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm.Nghĩa là người phạm tội phải cung cấp đầy đủ và chính xác các tình tiết, tài liệu, vật chứng liên quan đến vụ án mà họ biết. Trong vụ án đồng phạm, người phạm tội cũng cần cung cấp thông tin về các đối tượng này, cung cấp thông tin nhận dạng hoặc nơi ẩn trốn. Đây được coi là nguồn dữ liệu quan trọng để cơ quan điều tra phát hiện tội phạm, góp phần giải quyết nhanh chóng vụ án. Cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét mức độ thành khẩn, tính xác thực của thông tin để làm căn cứ xem xét miễn TNHS.

Có cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm.Nghĩa là trường hợp người phạm tội đã thực hiện tội phạm hoàn thành nhưng hậu quả của tội phạm chưa xảy ra thì chính người phạm tội đã kịp thời ngăn chặn hậu quả để hậu quả không xảy ra hoặc hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm [27-tr.52]. Hậu quả là hệ quả của việc thực hiện hành vi phạm tội thể hiện những thiệt hại cụ thể về vật chất, thể chất, tinh thần… Do đó, thái độ tích cực, ăn năn hối lỗi của người phạm tội được thể hiện quaviệc người đó đã nỗ lực trong khả năng của bản thân để không cho hoặc hạn chế đến mức tối thiểu hậu quả xảy ra trên thực tế. Cũng cần có sự phân biệt yếu tố này với các tình tiết khắc phục hậu quả. Đối với tình tiết khắc phục hậu quả thì được áp dụng trong trường hợp hậu quả đã xảy ra trên thực tế, người phạm tội chỉ thực hiện các biện pháp để khôi phục lại toàn bộ/một phần tình trạng ban đầu hoặc khôi phục lại giá trị của tài sản.

Lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.Điều kiện này mới được ghi nhận trong BLHS năm2015. Về yếu tố “lập công lớn” hiện đã có cách hiểu thống nhất dựa theo căn cứ hướng dẫn điều kiện miễn chấp hành hình phạt tại mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007: “Lập công lớn là trường hợp người bị kết án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc đã cứu được tài sản của nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hoả hoạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị hoặc thành tích xuất sắc đột xuất khác được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận”. Còn về yếu tố “có cống hiến đặc biệt” hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể, tuy vậy, có thể hiểu là người phạm tội có tham gia và đạt những thành tựu nhất định trong các lĩnh vực phục vụ lợi ích cộng đồng như: nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật, y học,…

Quy định này được thực hiện dựa trên việc xem xét tổng thể tất cả các yếu tố được nêu ra. Ngoài ra, tuỳ theo tính chất nguy hiểm của từng loại hành vi vi phạm pháp luật hình sự, cơ quanchức năng sẽ đưa ra đánh giá, cân nhắc áp dụng biện pháp miễn TNHS.

Trường hợp người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ýhoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29)

Đây là một trường hợp miễn TNHS lần đầu tiên được quy định trong BLHS năm2015. Có thể nói đây là một “nguyên tắc hoà giải trong luật hình sự” nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Người bị hại là cá nhân, tổ chức bị tội phạm trực tiếp gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản. Người bị hại được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng công nhận khi xác định có dấu hiệu thiệt hại. Xuất phát từ vị trí pháp lý đặc biệt là người bị hành vi phạm tội gây thiệt hại nên họ có quyền tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình bằng cách đưa ra những quan điểm và nguyện vọng của mình trong quá trình giải quyết vụ án.

Việc áp dụng cơ chế hoà giải giữa người phạm tội với người bị hại theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể sau:

Thứ nhất, quy định này chỉ áp dụng đối với hai loại tội, đó là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Với quy định này, trường hợp miễn TNHS tại khoản 3 Điều 29 BLHS bao hàm một số loại tội phạm mà phải có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc có thể đã chết, thì mới khởi tố (Điều 155 BLTTHS năm2015) như: khoản 1 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác), khoản 1 Điều 135 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh), khoản 1 Điều 136 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội), khoản 1 Điều 138 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác), khoản 1 Điều 139 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính), khoản 1 Điều 155 (Tội làm nhục người khác) và khoản 1 Điều 156 (Tội vu khống) của BLHS năm 2015. Đây đều là những loại tội ít nghiêm trọng do cố ý và vô ý.

Thứ hai, người phạm tội được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hoà giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự. Hiện nay, vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết về nội dung, phạm vi trong hoà giải hình sự. Tuy nhiên, có thể hiểu “hoà giải thành” trong trường hợp này là hai bên trên cơ sở tự nguyện đã thoả thuận giải quyết xong trách nhiệm dân sự, yêu cầu bồi thường khắc phục hậu quả về vật chất và tinh thần, những căng thẳng và mâu thuẫn giữa hai bên đã được giải quyết. Thêm nữa, về nguyên tắc, người bị hại hoặc đại diện của người bị hại phải đề nghị áp dụng biện pháp miễn TNHS đối với người phạm tội. Đề nghị này có thể được thể hiện bằng văn bản xong cũng có thể được thể hiện bằng lời nói (phải được thể hiện trong biên bản do cơ quan tiến hành tố tụng lập hoặc được ghi trong biên bản phiên toà).

Trên đây là nhữngđiều kiện cần, vì đây là quy định miễn TNHS “tuỳ nghi” nên việc có áp dụng miễn TNHS hay không còn thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, căn cứ vào yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, giáo dục, cải tạo người phạm tội, cũng như tình hình an ninh, trật tự và nhân thân người phạm tội để quyết định.

Việc ghi nhận quy định về hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại trong pháp luật hình sự thể hiện sự tiến bộ trong tư duy lập pháp, tạo điều kiện cho công dân tự do thể hiện ý chí trong việc giải quyết tranh chấp nhanh chóng hàn gắn mâu thuẫn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn xét xử và đáp ứng yêu cầu đấu tranh, xử lý tội phạm, tiết kiệm chi phí tố tụng. Thêm vào đó, quy định này còn tạo cơ hội cho người phạm tội thoát khỏi “vòng xoáy tố tụng” nhưng vẫn đảm bảo những trách nhiệm pháp lý cần thiết được thực thi.

 
Tin tức khác:
Cảnh báo lừa đảo thu tiền của lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài (1/12/2020 )
Thanh niên người Hà Tĩnh về từ Angola mắc Covid-19, cách ly ngay tại Bắc Ninh (7/11/2020 )
Nước lũ “cuốn trôi” gần 170 tỷ đồng của người nuôi trồng thuỷ sản Hà Tĩnh (29/10/2020 )
Bão số 8 tiếp tục tăng cấp, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc (22/10/2020 )
Đội mũ bảo hiểm lưỡi trai có bị xử phạt? (15/10/2020 )
Lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của 9 người dân Hà Tĩnh, Nghệ An (10/10/2020 )
Từ hôm nay, gọi điện quảng cáo có thể bị phạt đến 100 triệu đồng (5/10/2020 )
Vietcombank cảnh báo hành vi giả mạo chữ ký, con dấu để lừa đảo khách hàng (28/9/2020 )
Hương Sơn: Trộm đột nhập cửa hàng cuỗm 30 điện thoại di động (22/9/2020 )
Vụ 'nâng khống giá khủng': Ai ký cho Công ty TTBYT Hà Tĩnh trúng hàng loạt gói thầu? (16/9/2020 )
Sử dụng phẩm màu trong chế biến đồ ăn, trà sữa (12/9/2020 )
Tăng mức phạt hành vi buôn bán mỹ phẩm giả (8/9/2020 )
Giả danh phóng viên, tự xưng đại biểu Quốc hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (3/9/2020 )
Gói hỗ trợ COVID-19 đợt 2: Cần đúng, trúng và khẩn trương (29/8/2020 )
Bắt 11 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam tổ chức đánh bạc (24/8/2020 )
Văn phòng Tư Vấn Doanh nghiệp Hà Tĩnh
Địa chỉ: Thành phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 0974.707.418 (Trần Đình Tý)
Email: vanphongluatsuso3@gmail.com
Website: http://luatsuhatinh.com
Tin tức
  • Cảnh báo lừa đảo thu tiền của lao động muốn đi làm việc
  • Thanh niên người Hà Tĩnh về từ Angola mắc Covid-19, các
  • Nước lũ “cuốn trôi” gần 170 tỷ đồng của người nuôi trồn
  • Bão số 8 tiếp tục tăng cấp, di chuyển theo hướng Tây Tâ
  • Đội mũ bảo hiểm lưỡi trai có bị xử phạt?
  • Lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng của
  • Từ hôm nay, gọi điện quảng cáo có thể bị phạt đến 100 t
  • Vietcombank cảnh báo hành vi giả mạo chữ ký, con dấu để