Tòa án lương tâm tố cáo kẻ thủ ác
Như Dân trí đã đưa tin, vào chiều ngày 17/9/2012, đến bữa cơm, gia đình ông Rơh Lan Ek (trú làng Hố Lang, xã Chư Pơng, Chư Prông, Gia Lai) vẫn không thấy đứa con trai Rơh Lan Un (6 tuổi) về nhà. Cả nhà lo lắng đi tìm nhưng không thấy nên đã trình báo sự việc với công an xã.
Nhận được tin báo, công an xã Chư Pơng đã phối hợp với gia đình bé Un đi tìm cậu bé nhưng kết quả vẫn là con số không.
3 ngày trôi qua trong vô vọng, đến khoảng 4 giờ ngày 20/9, vì quá lo lắng cho Un, bà ngoại cậu bé đi lang thang tìm cháu, đến gần giếng nước dùng để tưới cà phê ở rẫy nhà ông Kpă MoYo thì bà ngửi thấy mùi hôi bất thường. Cúi xuống giếng, bà giật bắn mình khi thấy một xác chết nổi trên mặt nước.
Ngôi mộ của cậu bé tội nghiệp Rơ Lan Un
Quá trình khám nghiệm pháp y cho thấy nạn nhân chính là cháu Un, chết do ngạt nước, không có bất kỳ vết thương nào bên ngoài cơ thể. Những tưởng sẽ coi đây là một cái chết bình thường song kẻ đã giết cháu Un lại bị chính tòa án lương tâm xét xử, khiến vụ án mạng được phơi bày ra ánh sáng.
Trong quá trình tổ chức ma chay cho cháu Un, người hàng xóm Rơ Lan Mõ (22 tuổi) tỏ ra khá buồn rầu, nhiệt tình giúp đỡ mọi việc và uống nhiều rượu hơn bình thường. Tối ngày 22/9, Mõ có biểu hiện khá hoang mang, muốn tự vẫn nên đã có những lời dặn dò vĩnh biệt người thân.
Trước biểu hiện bất thường của Mõ, ngày 23/9, Công an xã Chư Pơng đã đưa Mõ về trụ sở đấu tranh. Tại đây, Mõ đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Theo đó án mạng này bắt nguồn từ mối thù sâu sắc của Mõ với gia đình bé Un.
Khốn khổ vì lệ làng
Câu chuyện bắt đầu từ cách đây 14 năm, trong một lần ngồi uống rượu với bố của cháu Un là ông Ek, giữa anh rể Mõ và ông Ek có xảy ra cãi vã, anh rể Mõ ném quả mít non vào người ông Ek, không may quả mít trúng vào mắt ông Ek làm ông này bị mù một mắt.
Ngay lập tức, dân làng kéo đến phạt anh rể Mõ phải đền cho gia đình ông Ek một đám ruộng 2 sào. Lúc này, anh rể Mõ có 2 đám ruộng (mỗi đám 2 sào), một đám tốt, một đám xấu. Gia đình ông Ek đã chọn lấy đám tốt. Sau khi thực hiện xong việc nộp phạt, trong lòng quá uất ức nên anh rể Mõ đã tự tử. Lúc này Mõ mới 8 tuổi.
Thời gian trôi đi nhưng cái chết của người con rể luôn được cha mẹ Mõ nhắc đi nhắc lại khiến Mõ luôn ghi nhớ về mối thù của gia đình mình với ông Ek. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi thời gian gần đây, Mõ nhiều lần bị ông Ek tố cáo về hành vi trộm vặt, bị mang ra bêu xấu trước cả làng. Từ đây Mõ càng thêm hận thù ông Ek.
Đến khoảng 15 giờ ngày 17/9, trong lúc đi ra vườn cà phê nhà mình, Mõ phát hiện cháu Un đang đi một mình trong rẫy cà phê nhà ông Kpă MoYo. Biết tin cha mẹ Un bị tai nạn giao thông đang nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, Mõ nảy sinh ý định trả thù. Y liền đến chỗ bé Un, bế cháu bé ném xuống giếng rồi thản nhiên đi về.
Vì cái giếng có liên quan này nên gia đình ông MoYo cũng phải nộp phạt 16 triệu đồng
Sau khi vụ án mạng được làm rõ, dân làng Hố Lang liền triệu tập gia đình nạn nhân, gia đình Mõ và cả gia đình “sở hữu” hiện trường vụ án là ông MoYo tại nhà rông. Sau khi bàn bạc, toàn thể dân làng đã ra quyết định phạt gia đình Mõ phải đền bù cho gia đình ông Ek số tài sản gồm: 2 sào đất ruộng, 4 sào cà phê đang thu hoạch, 2 con bò, 1 con heo, 13 triệu tiền xây mả cho Un và 2 triệu tiền mua hòm. Tổng giá trị tài sản bị phạt vạ lên đến hơn 500 triệu đồng.
Hội đồng phạt vạ cũng phạt thêm gia đình “sở hữu” cái giếng là ông MoYo. Theo cái lý của những người J’rai, cái chết của bé Un một phần cũng do lỗi nhà ông MoYo bởi vì ông này có cái giếng thì Mõ mới có chỗ để giết cháu Un. Vì vậy ông MoYo phải nộp phạt 16 triệu đồng cho gia đình ông Ek.
“Con mình gây ra tội, mình là cha mẹ nó thì mình phải chịu thôi. Làng phạt như thế nào thì mình phải nghe thôi, nếu mình không nghe thì sẽ bị Yàng phạt. Bây giờ gia đình mình nghèo lắm, tài sản của nhà mình đưa cho nhà Ek hết rồi”, mẹ của Mõ đau buồn nói.
Mõ là người gây ra tội ác, sẽ bị pháp luật trừng trị. Nhưng những luật tục khắt khe của dân làng - căn nguyên sâu xa trong cái chết của cháu Un - một lần nữa lại được thực thi, gây bao khốn đốn cho gia đình những người bị phạt. Có ai dám chắc sau vụ phạt vạ này sẽ không có thêm những mối thù kéo dài hàng chục năm? Với những đứa trẻ như Mõ, lớn lên trong hận thù để rồi một ngày nhúng tay vào tội ác?