PNO- Theo số liệu của Tổng cục Dân số, từ năm 1998 đến nay, đã có hơn 300.000 phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài. Phần nhiều các cuộc hôn nhân đó là do mai mối chứ ít qua tìm hiểu cặn kẽ và có tình cảm thật sự với nhau. Nhiều cuộc hôn nhân vì kinh tế hơn là xây dựng hạnh phúc gia đình.
Một bộ phận không nhỏ các cô gái Việt bị dụ dỗ, lừa gạt, bắt cóc, buôn bán ra nước ngoài để làm vợ cho những đàn ông bản địa có mặt khiếm khuyết nào đó về thể chất, trí tuệ hoặc hạn chế về tài chính, không thể lấy vợ người trong nước.
Chính vì vậy, đã có không ít các vụ cô dâu Việt bị chồng và gia đình chồng bạo hành, giết hại, không chỉ do rào cản về ngôn ngữ, tâm lý, văn hóa, lối sống... mà còn một nguyên nhân không kém quan trọng là do cô dâu Việt nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung bị khinh rẻ, xem thường.
Không ít trường hợp người vợ Việt bị gia đình chồng xem là “hám tiền”, cũng có không ít phụ nữ nông thôn lấy chồng nước ngoài như là một cơ hội “đổi đời”, “giúp đỡ gia đình”... Điều đó thật xót xa và cần được cảnh báo đúng mức, khẩn cấp. Bởi hình ảnh của các cô dâu Việt nói riêng và phụ nữ ở nước ngoài không đơn thuần là những cá nhân cụ thể mà ít nhiều thể hiện hình ảnh của nước Việt Nam trong mắt người dân nước khác.
Trong bối cảnh như vậy, phải khẩn thiết có những biện pháp bảo vệ hữu hiệu các cô dâu Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung, tránh sa vào những cạm bẫy.
Các gia đình có dâu Việt-rể Hàn hạnh phúc trong một chuyến về thăm Việt Nam. Ảnh: PNO
Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi cần có quy định rõ các vấn đề liên quan đến kết hôn có yếu tố nước ngoài. Nên tập trung vào các vấn đề sau:
- Quy định chặt chẽ các yêu cầu về sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng cho cả cô dâu người Việt và chú rể người nước ngoài.
- Tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật trong vấn đề hôn nhân với người nước ngoài; thông qua đó, cần cảnh báo những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn cho phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài mà không hiểu rõ người chồng tương lai của mình, cũng như chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, ngôn ngữ, văn hóa... của quốc gia mà mình sẽ đến sinh sống.
- Tăng cường hợp tác, phối hợp với các tổ chức bảo vệ nhân quyền, bảo vệ phụ nữ ở những nước và lãnh thổ có đông cô dâu Việt Nam, nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan..., trong việc giúp đỡ, tư vấn, bảo vệ cho các cô dâu Việt Nam.
- Lập các hội, câu lạc bộ, tổ chức cô dâu/phụ nữ Việt Nam ở một số nước có đông cô dâu và phụ nữ Việt Nam sinh sống để chia sẻ kinh nghiệm thích nghi với môi trường sống mới, đồng thời kịp thời giúp đỡ những trường hợp khó khăn, bị bạo hành...
- Phát huy vai trò của đại sứ quán, lãnh sự quán, các cơ quan đại diện ngoại giao, văn hóa của Việt Nam ở các khu vực có đông phụ nữ Việt Nam để kịp thời giúp đỡ các trường hợp khẩn cấp hoặc có biện pháp can thiệp với giới chức nước bạn trong việc bảo vệ nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng phụ nữ Việt Nam.
- Lập các quỹ hỗ trợ phụ nữ/cô dâu Việt Nam là nạn nhân của các vụ bạo hành, cưỡng bức hoặc các trường hợp bị xâm hại khác ở nước ngoài.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc chống buôn bán phụ nữ qua biên giới; ký các hiệp định tương trợ tư pháp với các quốc gia và vùng lãnh thổ về các loại tội phạm buôn người, mại dâm... để có hành lang pháp lý xử lý nghiêm khắc những trường hợp xâm hại đến phụ nữ Việt Nam.
Tóm lại, bảo vệ phụ nữ cũng như cô dâu Việt Nam ở nước ngoài là một cách tích cực bảo vệ hình ảnh đất nước Việt Nam ở nước ngoài. Tức là, bảo vệ cả danh dự, uy tín cũng như bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Nguyễn Minh Hải
(Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)