Nguyên nhân là vì luật sư đã bị cảnh sát dẫn giải ngăn cản không cho ông tiếp xúc, trao đổi với thân chủ.
Trước đây, sau khi bị TAND TP.HCM tuyên phạt án tù chung thân, Tâm kháng cáo xin giảm án. Tâm phạm tội ở khung hình phạt có mức án cao nhất đến tử hình nên theo quy định phải có luật sư bào chữa. Do Tâm không mời luật sư riêng nên tòa đã chỉ định luật sư Dương Công Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo.
Khi Tâm đang ngồi chờ xét xử phúc thẩm ở hàng ghế trước vành móng ngựa, luật sư Bình đi từ ngoài vào, tiến đến chỗ bị cáo. Ông vừa ngồi xuống nói chuyện với bị cáo được vài câu thì một cảnh sát dẫn giải đến yêu cầu ông ra ngoài với lý do là “theo quy định của ngành, không ai được tiếp xúc với bị cáo tại tòa khi chưa có ý kiến của cấp trên”.
Luật sư Bình bèn giải thích rằng ông là luật sư chỉ định cho bị cáo, cần trao đổi vài điều với thân chủ trước khi phiên tòa diễn ra nhưng người cảnh sát dẫn giải này vẫn một mực đề nghị ông ra ngoài. Luật sư Bình bất bình: “Tôi không biết quy định ngành của các anh như thế nào nhưng Bộ luật Tố tụng hình sự cho phép luật sư được gặp bị cáo tại tòa thì tại sao anh lại ngăn cản tôi?”. Lúc đó, để minh chứng giúp đồng nghiệp, một luật sư khác đã giở hẳn điều luật ra đưa cho người cảnh sát dẫn giải này đọc. Song người này vẫn một hai khăng khăng “bảo lưu quan điểm” rằng “không có ý kiến của cấp trên”.
Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rất rõ: “Bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa. Việc tiếp xúc với những người khác phải được phép của chủ tọa phiên tòa”. Vì vậy, một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III nhận xét đây là một chuyện đáng tiếc khi người cảnh sát dẫn giải có lẽ vì không hiểu biết pháp luật nên đã cản trở quyền tiếp xúc với thân chủ của luật sư. Để rút kinh nghiệm, ông đề nghị các đơn vị cảnh sát hỗ trợ tư pháp cần phải có hướng dẫn rõ với cán bộ, chiến sĩ để có cách ứng xử phù hợp, đúng luật trong các trường hợp tương tự.
PHAN THƯƠNG