Nhiều điểm nghẽn liên quan tới giá, thu hồi hay phân cấp quản lý nhà nước chưa đưa ra được phương án hợp lý khiến nhiều Ủy ban Thường vụ không hài lòng với dự Luật đất đai sửa đổi.
> 'Luật đất đai được dân trông đợi từng ngày'
Sáng 17/9, Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến về dự án Luật đất đai (sửa đổi), dài 14 chương, 190 điều. Đánh giá cao cơ quan soạn thảo (Bộ Tài nguyên Môi trường) vì đã xây dựng được dự án luật ở lĩnh vực khó khăn, song Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự luật chưa đưa ra hướng giải quyết nhiều vấn đề. Trong đó, thu hồi đất là một trong những "điểm nghẽn".
Theo ông Hiển, điểm nút của thu hồi chính là giá đất. Nhưng, thay vì cần tháo gỡ thì dự luật lại đưa ra nguyên tắc định giá đất "phù hợp với giá thị trường" (thay cho "sát giá thị trường" của luật năm 2003). "Nguyên tắc này rộng hơn, không những không giải quyết được vấn đề mà còn có thể dẫn tới nhiều tranh cãi", ông Hiển nói.
|
Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang trình bày tờ trình dự luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/9. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Dự luật cũng không quy định về quy hoạch cấp xã (chỉ có 3 cấp quốc gia, tỉnh, huyện) nên theo Chủ nhiệm Hiển, sẽ dẫn đến những quy hoạch treo vì 3 cấp quản lý này vẫn rất rộng. "Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra tình trạng sử dụng đất không hợp lý, không hiệu quả và cản trở sự phát triển", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.
Đồng quan điểm với ông Hiển, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng, dự luật cần có quy định để giải quyết thấu đáo hơn việc giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan tới đất đai; giải quyết tham nhũng thông qua cơ chế thu hồi đất. Đặc biệt, liên quan tới đất nông nghiệp, hiện căn cứ để thu hồi còn quá rộng; giá đất được quy định nhiều loại nhưng chưa cụ thể.
"Trong nhiều trường hợp, thiệt thòi là nông dân. Họ bất bình vì giá thu hồi đất thấp trong khi giá đất của nhà đầu tư sau khi thu hồi bán với giá rất cao dù chi phí bỏ ra không lớn. Đây là vấn đề lớn, tạo mâu thuẫn, cần nghiên cứu kỹ và có quy định chặt chẽ hơn", bà Nương đề nghị.
Cũng theo bà, sự tồn tại nhiều loại giá đất trong khi không có cơ quan định giá và cơ chế quản lý khiến giá đất Việt Nam đắt, có những nơi thuộc hàng đắt đỏ nhất thế giới.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, nhiều điểm nghẽn liên quan tới khiếu nại, tranh chấp, giá đất chưa được làm rõ. "Tôi thấy ái ngại vì nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá thị trường. Chính phủ quy định khung giá, tỉnh có bảng giá nhưng có giống với giá thị trường không? Nếu không cụ thể hóa được thì không giải quyết được thực tiễn", ông Khoa nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, các góp ý cần nhắm thẳng vào các tồn tại thực tế trong lĩnh vực đất đai hiện nay. Đó là giá đất, đền bù, giải tỏa, cấp giấy sử dụng đất. Phân tích về việc giá đất "phù hợp với giá thị trường", Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần làm rõ "định giá theo thị trường nào" bởi thị trường lúc lập quy hoạch sử dụng đất thì khác với lúc đấu giá, lập quy hoạch dự án...
"Chính vì không biết thị trường là thị trường nào tức là tù mù, sinh ra tham nhũng, kiện cáo. Nguyên tắc không chỉ định giá theo thị trường mà phải còn có những quy định khác", Chủ tịch Quốc hội nói và lấy ví dụ về việc thu hồi đất đã được giao 50 năm thì cần phải tính thêm giá trị thu nhập của lô đất đó mang lại trong 50 năm tới...
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, nhà, có đất, bố trí việc làm cho người mất đất thì mới tiến hành thu hồi. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng, không thể chỉ căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để thu hồi đất theo kiểu "cứ treo dự án lên là thu hồi". Hiện có tình trạng dự án treo lâu quá nên phải cho dân làm nhà, trồng trọt trong dự án đó. Ông Hùng cho rằng, nguyên tắc hình thành giá đất còn mơ hồ; thời điểm, căn cứ thu hồi cũng cần phải làm rõ.
"Cần đổi mới về thu hồi và giá đất. Tôi hoan nghênh quy định có nhà, có đất, bố trí việc làm cho người mất đất thì mới tiến hành giải tỏa, đền bù nhưng tôi không biết sẽ phải làm thế nào để quy định này khả thi", Chủ tịch Quốc hội nêu yêu cầu.
Dù có giải thích về về nguyên tắc xác định giá đất song do chưa chuẩn bị được phương pháp xác định, cơ quan soạn thảo không giải đáp được các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu (đại diện cơ quan thẩm tra dự án) khẳng định, cần giải quyết hài hòa giữa giá đất do nhà nước quy định và giá thị trường để giá đất trở thành công cụ quản lý.
Liên quan tới tiến độ của dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, nếu để trình Quốc hội tại kỳ họp tới và thông qua vào kỳ họp giữa năm 2013 thì cần đảm thống nhất với Hiến pháp sửa đổi (dự kiến thông qua vào cuối 2013). Quan trọng nhất là vấn đề liên quan tới định chế sở hữu toàn dân và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu va trách nhiệm quản lý đất đai. Cơ quan soạn thảo dự luật vì thế cần chuẩn bị các phương án phù hợp
Ông Lý cũng nhấn mạnh, Luật đất đai sửa đổi lần này nhằm góp phần giải quyết nhu cầu bức xúc, quan trọng hiện nay liên quan tới khiếu nại tố cáo - mà lĩnh vực đất đai chiếm tới 70%.
Trước một số ý kiến cho rằng nên lùi việc sửa luật ít nhất cùng với việc sửa Hiến pháp, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tái khẳng định, làm như vậy chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ông tán thành nâng thời hạn sử dụng đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân lên 50 năm, mở rộng hạn điền và bác bỏ việc xóa thời hạn sử dụng đất.
Nguyễn Hưng