(ĐSPL) – Người đồng tính, chuyển giới sẽ được tạm giữ, tạm giam tại buồng riêng từ 1/7. Nhưng theo ý kiến của luật sư, quy định này vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc nếu được áp dụng trong thực tế.
Theo quy định điều 18, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam bắt đầu có hiệu từ ngày 1/7, người đồng tính, người chuyển giới được tạm giữ, tạm giam ở buồng riêng. Ngoài ra, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, người bị kết án tử hình và phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi... cũng có thể được áp dụng quyền này.
|
Bắt đầu từ 1/7, người chuyển giới, đồng tính được tạm giữ, tạm giang tại buồng riêng. |
Luật sư Hà Huy Phong, Công ty Luật TNHH Inteco cho rằng, quy định trên thể hiện tính nhân văn của nhà nước và là một hành động cụ thể hoá sự thừa nhận vị trí của người đồng tính, chuyển giới trong xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên lĩnh vực tạm giữ, tạm giam chính thức thừa nhận người chuyển giới và đồng tính, đồng thời đảm bảo quyền lợi của những đối tượng này. Quy định này đảm bảo rằng, mọi đối tượng đều nhận được sự đối xử bình đẳng trước pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, luật sư Hà Huy Phong cũng chỉ ra việc áp dụng quy định này sẽ có nhiều vướng mắc và khó khăn trong thực tế.
Khó khăn thứ nhất là với người làm công tác giam giữ, khi đưa ra quyết định về không gian tạm giữ, các cán bộ tại trại giam sẽ phải thực hiện thủ tục xác nhận giới tính, đây là một điều không hề dễ dàng về mặt chứng lý.
Tuy có thể xác định người đồng giới thông qua tiếp xúc và giao tiếp, bằng cảm nhận nhưng điều này chưa đủ làm cơ sở đưa ra quyết định. Ngoài ra, các thông tin về giới tính ghi trong chứng minh nhân dân, giấy khai sinh và cấu tạo sinh học của các bộ phận cơ thể sẽ gây khó khăn cho việc chứng minh giới tính thật sự bên trong của đối tượng.
Khó khăn tiếp theo đó là xét về nguyên tắc giam giữ, nếu một người đã chuyển giới, tức là có một giới tính khác thì việc giam giữ sẽ phải thực hiện chung không gian với những người cùng giới tính với người bị giam giữ. Tuy nhiên, do đặc điểm sinh lý của người chuyển giới sẽ không giống hoàn toàn với người có giới tính tự nhiên nên cơ quan tạm giam tạm giữ cần phải tính toán, cân nhắc cụ thể từng trường hợp để đưa ra quyết định chính xác nhằm tránh gây tổn hại về sinh lý và tinh thần cho người chuyển giới khi bị giam giữ.
Ngoài ra, quy định nêu trên của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam còn đề cập tới người đồng tính. Đây là đối tượng chưa được thừa nhận rõ ràng trong các văn bản pháp quy như người chuyển giới. Luật Hôn nhân và gia đình 2014, tuy đã có sự thừa nhận tồn tại của người đồng tính nhưng nhà nước vẫn chưa thừa nhận địa vị pháp lý của các đối tượng này.
Vì vậy, việc Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam đưa đối tượng đồng tính vào quy định liệu có thể được hiểu là sự thừa nhận gián tiếp của Nhà nước đối với đối tượng này hay không? luật sư Hà Huy Phong đưa ra thắc mắc.
Nhân Văn