(Xây dựng) – Mấy ngày qua hiện tượng cá chết hàng loạt ở các bãi biển dọc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho các hộ dân đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Việc này đã tạo nên làn sóng hoang mang, lo lắng, thậm chí ngờ vực đối với người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng.
18 nhà hàng nổi ở xã Kỳ Lợi vắng khách từ sau khi cá chết.
Phối hợp tìm nguyên nhân cá chết bất thường
Vừa qua, Bộ NN&PTNT chủ trì làm việc với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh về việc cá lồng bè, cá tự nhiên chết hàng loạt tại vùng biển thị xã Kỳ Anh chưa rõ nguyên nhân.
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài hiện tượng cá lồng bè chết bất thường ở các xã Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh thì một hộ nuôi tôm ở xã Kỳ Phương có hai hồ, tôm bị chết sạch do bơm nước biển vào. Ngoài ra một số hộ nuôi nghêu ở xã Kỳ Hà, Kỳ Ninh bị chết trắng”.
Trước đó, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh mời Trung tâm quan trắc cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc đến kiểm tra, thu mẫu cá, mẫu thức ăn và mẫu nước trong lồng nuôi, ngoài tự nhiên khu vực xung quanh lồng và các điểm nghi ngờ gây ô nhiễm kiểm tra tìm ra nguyên nhân. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Ngoài ra vi khuẩn, vi rút gây hoại tử thần kinh không phải là tác nhân ra hiện tượng cá nuôi lồng chết hàng loạt.
Bà Võ Thị Minh Nguyệt, cán bộ Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Tĩnh, cho biết: “Đơn vị đã lấy mẫu nước xung quanh khu vực cá chết ở biển Kỳ Anh. Kết quả phân tích mẫu nước nằm trong giới hạn cho phép. “Hiện cá chết ở vùng biển Kỳ Anh vẫn chưa xác định nguyên nhân. Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức giám sát, theo dõi tình hình”.
Ông Lê Đức Nhân, PGĐ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh, cho biết: “Khả năng độc tố trong xả thải vẫn chưa ai dám kết luận. Hiện tượng cá nuôi, cá tự nhiên chết là có một hàm lượng độc tố trong nước biển rất lớn. Hiện nay chúng tôi đã gửi các mẫu ra Viện hàn lâm khoa và công nghệ Việt Nam nhưng vẫn chưa có kết quả. Để tìm ra độc tố gây cá chết hàng loạt không phải phạm vi của ngành nữa, cần phải có sự quan tâm của các bộ ngành”, ông Nhân cho hay.
Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy Sản thuộc Bộ NN&PTNT cho biết: “Lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu phải xác định được độc tố gây ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Tôi rất tiếc, ngoài việc lấy mẫu nước, ngành thủy sản Hà Tĩnh vẫn chưa lấy mẫu đất tại vùng cá chết để kiểm tra, cảnh báo cho người dân có nên tiếp tục nuôi trồng thủy sản nữa không”
Nỗi lòng người dân sống bám biển
Theo chân đoàn làm việc của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chi cục nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh đi kiểm tra thực tế ở các Xã Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Hà sau hơn 1 tuần xảy ra việc cá chết hàng loạt chúng tôi nhận thấy có một điểm chung là hiện tượng cá chết chỉ xảy ra thời điểm khi thủy triều lên thì có luồng nước vàng đục “như nước chè” chảy qua là nguyên nhân dẫn đến việc cá chết.
Kiểm tra hồ nuôi tại xã Kỳ Hà.
Anh Nguyễn Thế Bảo, xóm Tây Hà, xã Kỳ Hà cho biết: “Lồng nuôi cá trên sông Vịnh của chúng tôi chứa hơn 2 tạ cá thương phẩm như cá Hồng, cá mú, cá chẽm, cá hùng đã chết hết trong ngày mồng 7...ước tính thiệt hại hơn 120 triệu đồng. Khoảng 1h sáng thì nước thủy triều lên đến 2h thì cá bắt đầu chết, tầm 3-4 h sáng thì cá chết đồng loạt. Lúc nước thủy triều lên chúng tôi thấy hiện tượng nước rất đục”.
Chủ hồ tôm Grow Best Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “mặc dù nước bơm vào hồ tôm chúng tôi đã qua hệ thống xử lý nhưng tôm vẫn bị chết. Cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi và làm các xét nghiệm nguồn nước, như đo độ PH, độ kiềm, độ mặn và các thông số kỹ thuật khác đều ở mức cho phép, nhưng từ 22h đêm 10/4 đến 10h sáng ngày 11/4, tại 2 ao nuôi tôm đã có hơn 7 tấn tôm bị chết, ước tính tổng thiệt hại khoảng hơn 10 tỷ đồng...”. Đáng tiếc là số tôm nhiễm bệnh này vẫn được tiêu thụ ra thị trường với giá từ 14-15 ngàn đồng/kg.
Đoàn công tác làm việc với Cty TNHH Grow Best.
Chủ bè nổi Lý Hồ, kinh doanh ở khu vực Cảng Sơn Dương cho biết: “Việc ai đó nói nguyên nhân chết do nước thải từ nhà máy nhiệt điện đổ ra là sai, nói không có cơ sở, chúng tôi ở đây chứng kiến nhà máy hoạt động hơn 3 năm nay chưa hề có hiện tượng này nhưng ngày mồng 9 nước ở đây (khu vực lồng bè) có màu vàng như nước chè chứ không trong xanh như bình thường. Lạ một điều là chỉ cá chết chứ tôm, cua, mực lại không bị ảnh hưởng, mà cá chỉ chết theo mạch nước chảy chứ phía ngoài kia lại không hề hấn gì”.
“Nếu nhiễm độc từ Formosa thì phải con gì cũng chết chứ nói gì đến cá, chúng tôi cảm thấy vô cùng bực xúc vì các mạng xã hội cứ viết quá lên chứ thật ra cá chỉ chết duy nhất 1 ngày mồng 9. Thiệt hại cho người dân nuôi cá là có thật nhưng việc đẩy vấn đề đến mức nghiêm trọng như hiện nay là hơi quá. Vì hiện tại không hề có hiện tượng cá chết, nếu nước mà bị ô nhiễm thì cá sẽ tiếp tục chết nhiều hơn chứ không chỉ chết 1 ngày như thế” – Một chủ nhà hàng bè nổi ở xã Kỳ Lợi cho biết.
Theo ghi nhận của PV Báo Xây dựng ở khu vực Cảng Sơn Dương hiện tại có 18 nhà hàng nổi đang hoạt động nhưng không có khách. Ông Chu Văn Nhàn, Chủ 1 nhà hàng ở đây cho biết: “Những năm trước thời điểm này khách nườm nượp, quân bình mỗi ngày chúng tôi lãi trên 1 triệu đồng nhưng hơn tuần nay từ khi có thông tin cá chết thì toàn bộ 18 nhà bè ở đây không hề có khách”.
Nhà hàng nổi tại khu vực Sơn Dương vắng khách do thông tin cá chết hàng loạt.
Trao đổi với PV Báo Xây dựng Ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy Sản thuộc Bộ NN&PTNT trưởng đoàn kiểm tra ở Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Trước mắt chúng tôi sẽ tập trung phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu đủ chức năng để đưa ra kết quả chính xác nhất. Mọi nghi ngờ của người dân sẽ là cơ sở để chúng tôi tham khảo trong quá trình điều tra nguyên nhân cá chết. Trong thời điểm này tôi nghĩ bà con nuôi trồng thủy sản không nên thả giống, tốt nhất chờ kết luận của cơ quan chức năng để tránh thiệt hại”.
Báo Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vấn đề này.
Tuyết Mây – Phi Long