Năm 2012, chính phủ Pháp ban hành điều luật yêu cầu các tài xế bắt buộc phải mang theo máy đo nồng độ cồn trong xe, nếu không sẽ bị phạt 15 euro. Sau đó điều luật này vấp phải làn sóng phản đối dữ dội từ dư luận khiến chính phủ nước này phải hoãn thi hành án phạt vô thời hạn. Dù vậy, việc không mang théo máy đo nồng độ trong xe vẫn bị coi là trái pháp luật ở đây.
Du khách có thể bị phạt đến 600 USD vì mặc bikini đi lại trên phố ở Majorca. Ảnh: Andreaverdel |
Chụp ảnh các tòa nhà chính phủ, nhà thờ và đôi khi cả máy bay là bất hợp pháp ở một số nước. Triều Tiên là quốc gia nổi tiếng với lệnh cấm này. Du khách chỉ được phép chụp ảnh những gì hướng dẫn viên cho phép. Việc chụp ảnh những người lính đang làm nhiệm vụ, cận mặt người dân có thể khiến bạn gặp rắc rối. Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, đàn ông có thể bị bắt giữ vì chụp ảnh phụ nữ trên bãi biển.
Tại Cộng hòa Síp, việc để còi ô tô của bạn phát tiếng kêu trong phạm vi bệnh viện bị coi là bất hợp pháp.
Du khách có thể bị bắt, phạt tiền, thậm chí là nhận án tù nếu có hành vi không đứng đắn ở Hy Lạp, bao gồm cả việc đi lại lang thang. Mặc một số trang phục lạ có thể bị đánh giá là hành động tấn công, do đó điều này vi phạm luật.
Ở một số nước, trong đó có Jamaica, Barbados và Saudi Arabia, mặc quần áo ngụy trang là bất hợp pháp.
Nếu bạn đang đi du lịch và mang theo các loại thuốc giảm đau, hãy nhớ cầm thêm đơn của bác sĩ. Bởi một số loại thuốc có thể là bất hợp pháp ở nước ngoài. Ví dụ codeine (có tác dụng giảm đau) bị xếp vào loại thuốc cấm tại Hy Lạp.
Một số nơi ở Tây Ban Nha, du khách không được phép chỉ mặc một bộ bikini hoặc quần bơi ra phố. Giới chức các địa phương này, trong đó có Majorca có thể phạt tiền nếu bắt gặp du khách đang mặc đồ bơi trên đường đi dạo biển hoặc đường phố lân cận.
Việc chỉ trích nhà vua hay bất kỳ thành viên nào trong hoàng gia đều bị coi là phạm pháp ở Thái Lan. Hành vi đó có thể phải chịu án tù từ 3 đến 15 năm hoặc lâu hơn. Điều luật này cũng được áp dụng với các quốc vương trước hoặc đã qua đời.
Theo VnExpress