(PLO) - Ngoài chấm dứt quan hệ vợ chồng, nhiều bản án ly hôn còn xác định nhu cầu cấp dưỡng nuôi con khi một trong hai bên vợ/chồng nhận nuôi trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế việc thi hành những bản án này giống như một “món nợ khó đòi” đối với cơ quan thi hành án (THA).
Theo Quyết định thuận tình ly hôn số 24 ngày 03/11/2004 của Tòa án nhân dân huyện Anh Sơn (Nghệ An), thì anh Hà và chị Vân được ly hôn; anh Hà có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung cho chị Vân mỗi tháng 100 ngàn đồng. Kể từ ngày 3/11/2004 đễn khi cháu Nguyễn Thùy Linh sinh ngày 5/6/1996 đến tuổi trưởng thành.
Đến tháng 5/2005, chị Vân làm đơn gửi đến cơ quan THA. Tuy đã nhiều lần thúc giục nhưng anh Hà vẫn không thực hiện nghĩa vụ của mình, cũng không thăm nom, hỏi han khi con ốm đau, nằm viện.
Qua xác minh nhận thấy anh Hà có đầy đủ điều kiện để thi hành nghĩa vụ của mình đối với con, nhưng do “giận cá chém thớt” nên anh không muốn cấp dưỡng cho con theo bản án đã tuyên. Trong khi đó, số tiền 100 ngàn đồng/tháng với một cháu bé 8 tuổi không thể đảm bảo nhu cầu tối thiểu.
Chấp hành viên đã giải thích cho anh Hà rõ, số tiền nhỏ bé là sợi dây động viên an ủi cháu khi phải xa bố, chỉ có tính chất tượng trưng. Hơn nữa, nếu anh không chịu chấp hành quyết định THA, buộc cơ quan THA phải có biện pháp cưỡng chế thì anh phải chịu hoàn toàn mọi chi phí liên quan. Sau nhiều lần giảng giải, thuyết phục, anh Hà đã chấp nhận tự nguyện THA.
Từ ví dụ trên cho thấy, dù số tiền người phải THA không lớn nhưng do là loại án được coi là “nhạy cảm”, lại phải thi hành trong khoảng thời gian dài (đến khi đứa trẻ trưởng thành) nên gặp rất nhiều khó khăn.
Theo qui định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 có qui định: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ, đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình…”.
Thế nhưng trong thực tiễn, hầu hết các trường hợp sau khi ly hôn, việc cấp dưỡng chưa đảm bảo được quyền lợi của đứa con, chưa đáp ứng được “nhu cầu thiết yếu” của người được cấp dưỡng. Trong khi đó, mức cấp dưỡng hiện hành được căn cứ vào mức thu nhập và giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án, nên mỗi vụ là một mức cấp dưỡng khác nhau. Điều này không những tạo sự tùy nghi trong công tác xét xử mà còn gây khó khăn cho công tác THA dân sự khi người phải cấp dưỡng phải chịu mức cấp dưỡng không phù hợp với thu nhập của họ.
Do vậy, Nhà nước cần qui định cụ thể về “mức cấp dưỡng”. Theo đó, cần qui định mức cấp dưỡng tính trên phần trăm thu nhập của người phải cấp dưỡng hoặc lấy mức tiền lương tối thiểu vào từng thời điểm làm định khung để qui định mức cấp dưỡng”.
Bên cạnh đó, pháp luật cần qui định rõ ràng việc cưỡng chế THA đối với những trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn để đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho người được cấp dưỡng sau khi cha, mẹ ly hôn. Ngoài ra, để đảm bảo mức cấp dưỡng phù hợp, trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án cần xác minh đầy đủ, rõ ràng mức thu nhập, rồi mới ấn định mức cấp dưỡng để tránh những thiệt thòi cho người trực tiếp nuôi dưỡng và người nhận cấp dưỡng.
Đối với một số trường hợp sau khi ly hôn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng của mình một thời gian thì bỏ đi nơi khác để xây dựng cuộc sống mới, trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của mình. Vì thế, luật cần bổ sung kịp thời những biện pháp bắt buộc bảo đảm THA để duy trì sự cấp dưỡng, nghĩa vụ phải THA của bố (mẹ) đối với con.