PNO - Sau khi làm đơn khiếu nại, một số hộ dân ở xã Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) mới biết, vào năm 1996, cán bộ xã này đã lập hồ sơ, mạo danh chữ ký để nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 1…
Năm 2013, dự án nâng cấp quốc lộ 1 đoạn từ phía Nam đường tránh TP. Hà Tĩnh đến huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) được thực hiện, một số hộ dân ở xã Kỳ Khang thấy việc đền bù chưa thỏa đáng nên làm đơn khiếu nại. Nhưng khi xem lại hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng quốc lộ 1 năm 1996, họ mới vỡ lẽ ra có người đã đứng tên, ký nhận tiền thay.
“Ai đã đứng tên đất tôi?”
Ông Nguyễn Xuân Thống (62 tuổi) ở thôn Quảng Ích, xã Kỳ Khang cho biết, năm 2013, để thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1, Ban giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh có đến đo, kiểm đếm đất ở cho gia đình nhưng do chưa thỏa đáng nên ông đã làm đơn khiếu nại. Sau khi làm đơn, huyện Kỳ Anh thông báo đất của gia đình ông Thống đã được bồi thường, hỗ trợ vào năm 1996.
“Vào năm 1993, tôi mua đất của ông Trịnh Đình Hân để làm nhà ở. Nhưng khi xem hồ sơ giải phóng mặt năm 1996, tôi mới té ngửa khi biết đất của tôi lại mang tên ông Hân. Cầm hồ sơ đến hỏi, ông Hân cũng ngạc nhiên không hay biết chuyện này” - ông Thống nói.
Ông Trịnh Hân (thứ hai trái sang) cùng một số hộ dân ở xã Kỳ Khang rất bức xúc vì có người đứng tên, ký thay nhận tiền đền bù năm 1996.
Ông Trịnh Đình Hân kể: trước năm 1980, ông có lên vùng đất cầu Cà thuộc xã Kỳ Khang khai hoang hơn 1 héc ta làm đất ở và được chính quyền cấp giấy chứng nhận. Đến năm 1993, gia đình ông Hân gặp khó khăn, đã cắt bán hơn 15 lô đất. “Từ khi bán đất đến nay, gia đình tôi không còn sở hữu nữa. Năm 1996, cán bộ xã lập hồ sơ, giả mạo chữ ký của tôi để nhận tiền đền bù là tôi không biết, ngoài ra tôi cũng không nhận được một đồng tiền đền bù nào”, ông Hân khẳng định.
Tương tự, một số hộ dân ở thôn Quảng Dụ (Kỳ Khang) chịu ảnh hưởng trực tiếp đến quốc lộ 1 đều nói năm 1996, hồ sơ giải phóng mặt đã bị cán bộ xã lập hồ sơ, giả mạo chữ ký để nhận tiền đền bù.
Hiện nay, ông Thiều Hinh, ở thôn Quảng Dụ, cũng bày tỏ vì hồ sơ đất của ông lại có tên và chữ ký Nguyễn Thảnh. “Xem hồ sơ, tôi không biết ông Nguyễn Thảnh là ai mà lại đứng tên đất tôi. Đây là sự mạo danh, giả chữ ký để nhận tiền đền bù”, ông Hinh bức xúc.
Tiền đã làm công trích phúc lợi!?
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó chủ tịch xã Kỳ Khang cho biết, dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1 năm 1996 ảnh hưởng trực tiếp đến 34 hộ dân. Vì không có chủ trương nên tiền đền bù đất của dân đã được xã giữ lấy. Hơn nữa, xã cũng đã đề xuất lên huyện xin nguồn tiền đền bù này để làm công trình phúc lợi.
“Để hợp thức hóa được các thủ tục, xã đã nhờ 24 hộ dân đứng tên và ký thay. Hơn 123 triệu đồng tiền đền bù xã đã nhập vào ngân sách. Những việc làm này của xã là sai. Nhưng thực chất tiền thu về đã được đầu tư vào công trình phúc lợi, nếu Nhà nước thu hồi thì xã sẽ trích ngân sách trả lại”, ông Thi nói.
Nguồn: TĨNH GIA - Báo phũ nữ