Phân biệt hành chính và hình sự
Tại Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15-10-2013 của Chính phủ quy định cả về phần xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế, tại Thông tư 190/2013/TT-BTC ngày 12-12-2013 của Bộ Tài chính đã hướng dẫn cụ thể quy định về xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế. Do đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Quy trình xử phạt chỉ quy định về trình tự thủ tục và các bước xử phạt trong hồ sơ từ khâu phát hiện đến khâu xử phạt. Còn về trình tự cưỡng chế thì không đề cập ở quy trình vì tất cả trình tự đó đã được quy định rõ tại Thông tư 190/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. |
Về trình tự xử phạt, quy định chuyển hồ sơ đề nghị ra quyết định xử phạt đối với vụ việc vi phạm vượt quá thẩm quyền xử phạt của người đang thụ lý vụ việc; quy định trao đổi ý kiến và chuyển hồ sơ để xử lý hình sự và quy định về chế độ lưu trữ, báo cáo được nhiều đơn vị quan tâm.
Trong đó, vấn đề chuyển hồ sơ đề nghị ra quyết định xử phạt đối với vụ việc vi phạm vượt thẩm quyền xử phạt của người đang thụ lý vụ việc thì người đang thụ lý vụ việc phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc báo cáo cấp trên trực tiếp của mình là người có thẩm quyền xử phạt để xem xét xử lý vụ việc. Đối với vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố thì Phòng Chống buôn lậu và Xử lý vi phạm hoặc Bộ phận tham mưu xử lý vi phạm đề xuất Cục chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định xử phạt.
Đối với vụ việc do Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan thụ lý thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan trực tiếp chuyển hồ sơ báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, trường hợp có vướng mắc trong việc chuyển hồ sơ cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thì Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc, nêu rõ quan điểm xử lý vụ việc để Cục Hải quan địa phương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định xử phạt. Trường hợp theo yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh, bổ sung để làm rõ hồ sơ vụ việc thì Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan có trách nhiệm tiếp tục thực hiện điều tra, xác minh theo yêu cầu và chuyển kết quả cho Cục Hải quan địa phương báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xử lý, giải quyết vụ việc.
Đối với những vụ vi phạm phức tạp, chưa phân biệt được là vi phạm hành chính hay hình sự thì cơ quan đang thụ lý vụ việc có văn bản trao đổi ý kiến kèm hồ sơ gửi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phùng Thị Bích Hường thì trường hợp này đã quy định cụ thể tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 127/2013/NĐ-CP. Tuy nhiên, hiện các cơ quan thực thi đang rất lúng túng phân biệt giữa hình sự và hành chính. Bởi nếu vụ việc do cấp Chi cục và tương đương thụ lý giải quyết thì chuyển hồ sơ gửi về Cục. Phòng Chống buôn lậu và xử lý vi phạm hoặc Bộ phận tham mưu xử lý của Cục sẽ nghiên cứu, đề xuất cho lãnh đạo Cục để có văn bản tham khảo ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền khởi tố của cơ quan Hải quan. Nếu vụ việc do cấp Cục thụ lý giải quyết thì Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có văn bản trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự…
Theo ý kiến của đại diện Cục Hải quan Hà Nội, để phân biệt giữa hình sự và hành chính khi Bản hướng dẫn trình tự có hiệu lực, đề nghị Tổng cục Hải quan triển khai tập huấn về cách phân biệt dấu hiệu giữa hai hành vi này để CBCC hiểu rõ khi thực hiện.
Thống nhất thời gian nhập dữ liệu
Dự thảo đối với chế độ lưu trữ, báo cáo quy định nhập dữ liệu và hệ thống thông tin vi phạm ở 3 giai đoạn: Khi bắt đầu lập biên bản, ra quyết định xử lý vi phạm và khi ra quyết định khiếu nại. Tuy nhiên nhiều ý kiến của đại diện các Vụ, Cục cho rằng, cần phải thống nhất nhập dữ liệu khi có quyết định xử phạt thì công chức tại địa phương sẽ dễ dàng thực hiện vì tính ổn định và khả thi cao hơn.
Đại diện Cục Hải quan Hải Phòng, Hà Nội, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Kiểm tra sau thông quan… cho rằng: Nội dung Bản hướng dẫn trình tự quy định cơ bản rất hợp lý và phù hợp với thực tế tại địa phương. Tuy nhiên, trình tự chế độ lưu trữ, báo cáo nếu làm như 3 bước trên thì thao tác rất khó cho CBCC thực hiện vì tính ổn định và khả thi không cao. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nên để khi có quyết định xử phạt thì mới nhập vào hệ thống dữ liệu.
Phó Tổng cục trưởng TCHQ Hoàng Việt Cường nhấn mạnh, cập nhật thông tin vào hệ thống dữ liệu với mục đích là theo dõi vụ việc và đối tượng với các thông tin khác nhằm để hỗ trợ cơ quan Hải quan quản lý DN dễ dàng hơn. Do đó, nên tính toán theo lộ trình từng giai đoạn, bước đầu nên cập nhật đầy đủ các thông tin liên quan đến quyết định xử lý vi phạm hành chính, trong đó cần chi tiết về thời gian, nội dung vi phạm nhằm phục vụ cho công tác quản lý rủi ro.
Đảo Lê