QĐND - Tôi duyên may được đưa đón ông ở Mát-xcơ-va cách nay nửa thế kỷ, ngày chính quyền Pháp trục xuất ông vì hoạt động yêu nước trong Việt kiều. Về sau, trong công việc lại được lui tới hầu chuyện tại nhà riêng của ông ở Nguyễn Chế Nghĩa – Hà Nội. Học con người kỳ tài như ông, tôi trộm nghĩ, trước hết là ở nghị lực và phương cách rèn luyện tâm thân để có sức khỏe là có tất cả.
Vậy Tâm – Thân cụ thể là những gì? Giáo sư Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) đã công thức hóa thành mô hình xuất phát từ cấu trúc của con người với ba mặt: Sinh lý (S), xã hội (X) và tâm lý (T).
Xin phép gọi đó là “Mô hình tu thân” Nguyễn Khắc Viện.
1. Nhân định thắng thiên
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện ở Pháp 26 năm, là bác sĩ nhi khoa, nhà tâm lý học, nhà văn, nhà sáng lập Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em N.T - một lĩnh vực tâm lý trị liệu hiện đại còn hết sức mới mẻ, hoàn toàn cần thiết đối với nước ta hiện nay. Trong thời gian đó, ông phải nằm viện vì lao phổi tới 10 năm (1942-1951): 10 lần lên bàn mổ, cắt phổi 7 lần, cắt cả 8 xương sườn, coi như mất đi 3/4 khả năng hô hấp. Các thầy thuốc Pháp tiên đoán tình trạng sức khỏe chung khi ra viện người bệnh có thể chỉ sống thêm được ba năm. Dĩ nhiên, thầy kể vui, ngày ấy bệnh nhân đâu dám “cãi thầy thuốc”, lại còn phải giấu, không dám “múa rìu qua mắt thợ” khi đọc sách nghiên cứu cách khắc phục bệnh tật bằng phối hợp cả Đông Tây y, luyện khí công, yoga…
|
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. |
Sau này, có lần đang ở Cam-pu-chia thì bị viêm phế quản nặng, bệnh viện sở tại không đủ sức cấp cứu, thầy vận dụng kinh nghiệm tự cứu mình trước khi được người cứu bằng cách nằm khoanh người để cơ thể tiêu hao ít ô-xi, ít năng lượng nhất trên ô tô trở về TP Hồ Chí Minh kịp cứu sống. Thầy khuyên cách tự bảo vệ bằng bất động này cũng cần thiết trong số các ca bệnh cấp cứu khác mới tránh được tử vong. Khi thầy sắp mất, phổi không còn tác dụng, những cơn đau dạ dày quái ác kèm theo, thầy dùng cơ hoành “thay” chức năng của phổi.
Bí quyết phục hồi sức khỏe, sống thọ (84 tuổi) của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện là phối hợp rèn luyện cả thân thể, nhân cách và quan hệ xã hội. Ông nói vui: Cả đống sách báo ông viết chắc chắn sẽ bị lãng quên, nhưng có một bài vè 10 câu, ông coi như một… di chúc, mong được cấp “bằng Tiến sĩ”. Đó là “Bài vè thở bụng”: Thót bụng thở ra/Phình bụng thở vào/Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/Êm, chậm, sâu, đều/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Ở đâu cũng được/Lúc nào cũng được.
2. Giữ đạo nhà
Thân phụ của Nguyễn Khắc Viện là quan Án sát Nghệ An Nguyễn Khắc Niêm thanh liêm nổi tiếng, từng ngầm xử tội nhẹ cho hai nhà yêu nước Tôn Quang Phiệt và Kim Cương trong tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội của Nguyễn Ái Quốc. Cậu Viện học trò trường Tây gọi cha là thầy, mẹ đẻ là chị, mẹ kế là mụ. Cậu lấy làm lạ không bao giờ cha gọi con lại rao giảng đạo đức hay nuông chiều, càng không bao giờ to tiếng, đánh đập con. Nhưng trong nhà ra vào lễ phép, ăn nói nhẹ nhàng, nếp sống đạm bạc. Sáng dậy, 14 người con đều ăn bát cháo với cà muối, ngồi học tới gần trưa, bụng đói cồn cào…
Trong ký ức thầy Viện, hai lần thân phụ dặn: Năm 1934 ra Hà Nội học nội trú ở trường Bưởi kỷ luật quá nghiêm, viết thư về thưa ở thế “khó chịu” lắm. Cha trả lời: “Khó chịu thì chịu khó tập dần cho quen”. Năm 1937, cha tiễn con lên tàu ở bến Sài Gòn sang Pháp du học. Cha đưa phong thư dặn ra biển hãy mở xem, không nói gì thêm. Thì ra thư chỉ dặn mỗi câu: “Thầy chắc chắn con sẽ học hành đầy đủ, không cần dặn gì, chỉ mong con không lấy vợ đầm”.
Đứng về góc độ tâm lý học, thầy Viện giải thích: Mình “đã tự đồng nhất” với hình ảnh người cha về nhiều mặt. Cha như một hình mẫu gia giáo để ông noi theo từ lúc còn nhỏ, không phải bằng sách Khổng Mạnh mà bằng phong cách, lối sống nhà Nho.
Năm 1939, đại chiến hai bùng nổ. Lưu học sinh không có tiền từ bên nhà gửi sang, buộc phải chọn: Hoặc đi kiếm việc làm, tằn tiện, ăn học tiếp, hoặc làm đơn cúi xin Bộ thuộc địa cho trợ cấp. Chính lúc này Khắc Viện nghĩ, không thể muối mặt bêu xấu thanh danh cha, gia đình, quê hương để ngửa tay xin tiền “mẫu quốc” chu cấp học bổng có điều kiện là làm tay sai Việt gian bán nước. Tuổi nhỏ sống đạm bạc càng nhắc nhở anh sống sao cho xứng đáng hơn, giữ lấy đạo nhà.
Từ “đạo nhà”, qua 10 năm nằm bệnh viện có thừa thời gian anh suy ngẫm, đọc sách báo, tiếp xúc bạn hữu, đặc biệt là thời cuộc, là các học thuyết đạo giáo thôi thúc người trí thức yêu nước phải có lập trường, chọn quan điểm, một chủ nghĩa làm mục đích theo đuổi cả cuộc đời. Anh bỏ ra nhiều thời gian, tâm huyết cho việc học chữ Hán, nghiền ngẫm các trước tác tiêu biểu của các nền văn minh nhân loại. Từ mấy nhân tố: Lòng yêu nước, hiểu biết khoa học, tiếp xúc với nhân dân tiến bộ Pháp, anh dễ dàng đến với chủ nghĩa Mác, nhưng vẫn thấy thiếu một cái gì đó. Về sau rõ ra thì đó là sự thiếu hụt về “Đạo lý”.
|
Mô hình tu thân. |
Đạo là con đường – thầy Viện giải thích, con đường đi của mỗi cuộc đời gồm ba mặt, ba hướng. Thầy thích thú tính vừa phải, cái gì cũng chỉ nên có mức độ của đạo Nho. Không cường điệu, yêu hết thảy mọi người như nhau, mà trước hết là bố mẹ, vợ con, họ hàng, xóm làng rồi đến đất nước dân tộc mình. Lấy ân báo ân, oán thì xử lý công bằng bằng tình người. Có tự kiềm chế, khắc kỷ, khép mình vào lễ, nghĩa mới nên người. Con người có gốc, có rễ, có truyền thống di sản bền vững của dân tộc, biết thừa kế chứ không phải con người rứt hết gốc rễ, thực dụng, cá nhân năng động, tự lập đấy mà cô đơn, mất hướng...
Thầy Viện thừa nhận từng thay đổi ý kiến nhiều lần theo thời thế, nho sĩ xưa gọi là thức thời. Thay đổi chính kiến nhưng không thay đổi đạo lý. Đạo lý nói như Bác Hồ dạy, là cái bất biến ở con người tôn trọng chữ nhân. Không vì giàu sang mà sa đọa, không vì nghèo khó mà xa rời, không khuất phục trước uy quyền, một đời cần kiệm liêm chính chỉ một lòng tận tụy phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc mà Bác Hồ là tấm gương sáng chói.
3. Người với người là bạn
Bốn chữ trong cụm từ này hiểu đúng và làm được không dễ, bởi mỗi cá thể chúng ta đều ghép lại do tiến hóa tự nhiên từ “con” và “người” qua những môi sinh khác nhau, khắc nghiệt, không dễ nên... những con người lý tưởng. Mà về xã hội, phải qua tranh đấu, tổ chức và giáo dục. Bác Hồ dùng điển tích người xưa nói vì lợi ích trăm năm phải “trồng người”, ý là vậy.
Thầy Viện thích thú kể lại mấy chuyện người xưa xử thế, như Hứa Do nghe người của nhà vua lần thứ hai đến mời mình ra làm quan liền bỏ đi rửa tai, bảo rằng phải rửa đi cho sạch những điều vừa nghe bẩn tai. Hoặc thích hơn nữa là chuyện nhà nho nọ được nhà vua vời vào cung, nhà nho không vào mà nhắn lại: - Vua đến thăm tôi hơn là tôi đến thăm vua. Vua đến hỏi vì sao? - Vì tôi đến thăm vua thì mình mang tiếng là nịnh vua. Còn vua đến thăm tôi thì vua được tiếng là tôn trọng hiền tài, quý yêu kẻ sĩ...
Ngày nay, một số học giả Mỹ ra sách, mở lớp dạy thuật đối nhân xử thế (gọi là Social skills), là những thủ pháp, thủ thuật, cả thủ đoạn sống, phần nào giống như trong ứng xử của đạo Nho. Nhưng nó thực dụng, không thực lòng, nhiều khi ngây ngô, tàn nhẫn, vì không có cái gốc là Đạo.
|
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện làm việc trên giường bệnh (ảnh chụp năm 1997). Ảnh: Trung Sơn |
Đạo của nho sĩ thời xưa nằm trong bản tính, thấm trong máu thịt, dù muốn bỏ đi cũng khó. Thế nhưng, đạo của thầy Viện lại không giúp được gì để mong kéo dài cuộc sống mà theo đuổi đạo. Thầy phải vượt lên định mệnh mầy mò, tự học, tập luyện các bí thuật Yoga, thiền định của Ấn Độ, khí công nhu quyền của Nho giáo và vận dụng sinh lý học hiện đại trong thể dục, thể thao thời nay mà kết hợp, sáng tạo nên thuật dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện, lấy luyện thở làm căn bản. “Sống thêm” được 50 năm - nửa thế kỷ, dâng tặng đời hàng trăm tác phẩm văn hóa khoa học, Nguyễn Khắc Viện được người đời đặt tên thêm “nhà hài hước” khi thầy từ kinh nghiệm bản thân đúc rút ra bài Vè thở bụng, gọi nó đáng giá như một luận án xuất sắc để bảo vệ học vị “Tiến sĩ”.
Thế nhưng, bài học thành công “thở bụng” của ông Đồ Nghệ Tây học lại cần “bà đỡ” Tu thân, tức tu dưỡng đạo đức và môi trường sống thúc đẩy, tức là quan hệ xã hội. Hay nói cách khác, “cái kiềng ba chân” ấy là bí thuật trong mẫu hình rèn luyện lập thân và cống hiến của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện.
Học ông, chúng ta tự hào về ông - con người vượt lên số phận để dâng đời nhiều thành tựu như lời Bác Hồ từng dạy:
Chữ rằng nhân định thắng thiên
Người mà cố gắng trời liền phải theo
(Báo Nhân dân, 9-9-1955).
Trịnh Tố Long