(PLO) - Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam đã bị “xà xẻo” ngay từ khi họ bị bắt bởi những “kẽ hở” của pháp luật.
Vẫn tại cái lỗi... chung chung
Với qui định “phải thông báo ngay” nhưng không qui định là bao lâu kể từ thời điểm cơ quan điều tra nhận người bị bắt nên dù tắc trách hay vì lý do nào đó mà cán bộ điều tra không “thông báo ngay” cho gia đình người bị bắt về việc bắt giữ thì cán bộ điều tra cũng hoàn toàn không có vi phạm. Trong khi đó, gia đình người bị tạm giữ, tạm giam càng chậm nhận được thông báo về việc bắt giữ thì người bị tạm giữ, tạm giam càng bị thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần và quyền được trợ giúp pháp lý, bào chữa.
Xét về mọi góc độ, quyền biết thông tin về việc bắt người của gia đình người bị bắt là để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đối với người bị bắt. Các quyền và nghĩa vụ đó rất rộng, bao gồm việc thăm thân, mời LS bào chữa, giúp khắc phục hậu quả, kể cả việc cung cấp chứng cứ cho cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền... với mục đích giúp đỡ người thân của họ về mặt tinh thần cũng như vật chất trong hoàn cảnh bị tạm giữ, tạm giam.
Tuy nhiên, Luật sư (LS) Huỳnh Phương Nam (Văn phòng LS Huỳnh Nam, Đoàn LS TP.Hà Nội) nhận thấy, thông báo về việc bắt người này trong thực tế các vụ án lại không giống nhau hoặc không được thực hiện đầy đủ, thậm chí hầu như không có gì chứng minh được gia đình người bị bắt đã nhận được thông báo này. Trong một số trường hợp, có một lý do được đưa ra để biện minh cho việc cơ quan chức năng không gửi thông báo bắt giữ đến gia đình người bị bắt là “để giữ tiếng cho gia đình”. Song với LS.Lê Quốc Đạt (Công ty Luật Trí Tuệ ở Hà Nội) “đã bắt công khai thì lý do này là vô lý”.
Khổ trăm đường vì không thực hiện đúng luật
Thực tế, rất nhiều trường hợp gia đình người bị tạm giam bỗng nhiên thấy người thân “biến mất”, không biết cơ quan nào bắt, vì sao lại bắt và nếu biết thì cũng không biết bị tạm giam ở đâu. Chính LS Huỳnh Phương Nam đã từng phải “vào Nam, ra Bắc” mới biết chính xác nơi thân chủ của mình đang bị tạm giam để báo cho gia đình thân chủ biết liên hệ thăm nuôi. Trong cả quá trình “đi tìm” thân chủ, LS đã phải “lần mò” qua từng cơ quan điều tra, nhiều lần gửi Công văn và có lúc gần như mất hy vọng vì không nhận được hồi âm của cơ quan chức năng.
Từ đó cho thấy, do không được thông báo lệnh bắt giữ theo qui định pháp luật mà không chỉ người nhà của người bị tạm giam mà cả LS là người được pháp luật trao cho quyền bào chữa cũng phải rất vất vả khắc phục thiếu sót của cơ quan chức năng. Hậu quả là quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam bị ảnh hưởng ngay từ khi họ “chạm trán” với các thủ tục tố tụng, kể cả khi người bị bắt không thuộc nhóm tội liên quan đến xâm phạm an ninh quốc gia.
Vì vậy, xem xét bổ sung các qui định để khắc phục tình trạng tùy tiện như trên trong việc thông báo bắt giữ cũng là một giải pháp để hoàn thiện qui định về quyền thăm thân của người bị tạm giữ, tạm giam và bảo đảm quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam và tính nghiêm minh của pháp luật.