Mặc dù bù bị thương tật 41% nhưng chị Hiền vẫn đi bán cá như thường.
“Chồng tôi bị oan”
Chị Phạm Thị Hương, vợ anh Kiên, cũng không ngờ rằng sự việc xô xát giữa chồng chị với chị Hiền lại đến mức chồng chị bị bắt giam. Chị Hương kể : “Ngày xảy ra sự việc, chồng tôi đi làm về đến nhà bưng bát cơm ra ngoài ngõ ăn thấy chị Hiền từ trong nhà người hàng xóm đi ra. Lúc đó chồng tôi hỏi: Có chuyện gì mà khi tối em chửi anh thế? Bất ngờ chị ta lao vào thì chồng tôi đẩy ra. Khi chị ta cúi xuống cầm nửa viên gạch định ném thì chồng tôi đã đầy viên gạch đi. Do chị Hiền chửi, lao vào người nên chồng tôi không kiềm chế được liền giơ tay tát vào mặt nhưng tát hụt trúng vào bờ vai chị ta. Khi đó anh Ninh, em chồng chị Hiền nói: Anh Kiên về đi nên mọi chuyện coi như xong”.
Đến ngày 7/3/2013, người dân xóm Mai Lâm, xã Mai Phụng, huyện Lộc Hà ngỡ ngàng thấy công an đến bắt, giải anh Kiên đi. Nhiều hàng xóm của anh Kiên không hiểu anh bị bắt vì liên quan đến vụ xô xát với chị Hiền. Thấy anh Kiên bị bắt oan trái, có đến 19 người dân tự nguyện làm đơn gửi lên cơ quan chức năng mong làm rõ sự việc. Ông Phạm Xuân Thắng, một trong 19 người dân làm đơn, ký xác nhận: “Hôm xảy ra sự việc tôi là người làm chứng. Tôi thấy anh Kiên và chị Hiền xô xát nhẹ, không thấy anh Kiên đánh chị Hiền”.
Làm đơn khiếu nại, chị Hương một mực khẳng định hồ sơ vụ án chỉ đơn phương phía chị Hiền khai báo, gia đình chị Hương không hề hay biết gì. “Công an huyện Lộc Hà không hề gọi chồng tôi hay lập văn bản xét hỏi. Riêng công an có hai lần mời chồng tôi lên nộp tiền bồi thường nhưng chồng tôi kiên quyết không nộp vì không đánh chị Hiền. Tôi thấy chồng tôi bị bắt oan”, chị nói.
Quá nhiều mâu thuẫn?
Theo luật sư Nguyễn Khắc Tuấn, Trưởng văn phòng luật sự An Phát (Hà Tĩnh), qua quá trình thu thập các thông tin, tài liệu liên quan và nghiên cứu các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nhận thấy hậu quả thương tích và quá trình điều trị, kết quả giám định của bị hại (Phan Thị Hiền) thiếu cơ sở, không khách quan, không phù hợp với sự thật vụ án, có nhiều nội dung chưa được làm rõ.
Luật sự Tuấn, cho biết sau khi diễn ra vụ việc thì chị Hiền được đưa vào trạm y tế xã Mai Phụ điều trị. Qua xác minh, bà Nguyễn Thị Tuyển, quyền Trạm trưởng, thừa nhận: Lúc khám thấy chị Hiền bình thường, toàn bộ cơ thể không thấy vết bầm tím, xây xước hay vết thương nào. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận chị Hiền vào bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh thì các bác sĩ khám xét kết luận chị Hiền bị bầm tím nhiều vùng trên cơ thể, chấn thương đầu mặt, mặt, tay chân…
Ngoài ra theo luật sư Tuấn, hồ sơ vụ án không có tài liệu nào phản ánh Hội đồng giám định Khoa tâm thần bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh đã tiến hành xác minh quá trình sinh hoạt, sinh sống, lao động của bị hại Phan Thị Hiền tại địa phương trước và sau quá trình điều trị tại bệnh viện cho đến thời điểm tiến hành giám định. Nhưng tại biên bản giám định lại phản ánh là căn cứ quá trình xác minh quá trình sinh hoạt tại địa phương là không chính xác, không khách quan, thiếu căn cơ sở để tiến hành giám định.
Vẫn lao động như thường
Theo cáo trạng, ngày 26/11/2012, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Lộc Hà đã ra quyết định trưng cầu giám định số 02/CSĐT, trưng cầu giám định viên, cơ sở giám định pháp y tâm thần tỉnh Hà Tĩnh, giám định tình trạng tâm thần và có kết luận về chị Hiền bị hội chứng sau chấn thương não, ảnh hưởng rõ rệt đến lao động.
Nhưng khi chúng tôi tìm về xóm Mai Lâm, nhiều người dân cho biết chị Hiền rất khỏe mạnh, vừa mới đi chợ bán cá. Đến chợ Phủ (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà) chúng tôi thấy chị Hiền đang ngồi bán cá. Nhiều tiểu thương chợ này cũng xác nhận chị Hiền vẫn đi chợ như thường và không hề có dấu hiệu bị chấn thương hay tổn thương về tâm thần.
Theo Vũ Trí - Dương Cầm Dân tin