Trường hợp xác định bị cáo phạm tội thì xem xét các tình tiết giảm nhẹ để giảm án cho bị cáo… Cách bào chữa này đã bị đại diện VKS nhắc nhở vì cho rằng bào chữa nước đôi. Đây là chuyện khá phổ biến trong các phiên tòa hình sự và cần nghiên cứu thấu đáo về chuyện này.
Theo từ điển tiếng Việt, nước đôi là có tính chất lập lờ không dứt khoát, có thể hiểu thế này hay thế khác cũng được. Còn trong dân gian thì “nước đôi” là do thiếu tự tin, láu cá, không trong sáng. Với cách cắt nghĩa trên thì luật sư bào chữa “nước đôi” là do thiếu tự tin, thể hiện sự láu cá, không trong sáng, làm cho kiểm sát viên khó tranh luận, HĐXX khó phán xét. Tuy nhiên, cần phân biệt cách nói “lập lờ, không dứt khoát” với việc luật sư đưa ra nhiều giải pháp và mỗi giải pháp đều được chứng minh bằng chứng xác đáng để xem đó có là bào chữa “nước đôi” hay không.
Thực tiễn có nhiều trường hợp, luật sư đưa ra nhiều luận điểm khác nhau để chứng minh rằng bị cáo không phạm tội hoặc nếu phạm tội thì phạm tội nhẹ hơn tội mà VKS truy tố. Ví dụ: Bị cáo bị truy tố về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự nhưng sự việc có các tình tiết chứa đựng dấu hiệu của nhiều tội khác nhau. Khi bào chữa, luật sư đưa ra luận điểm cho rằng bị cáo thực hiện hành vi làm cho nạn nhân chết thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng. Về lý luận, việc xác định phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn quan điểm khác nhau nên luật sư có thể đưa ra luận điểm: Nếu hành vi đó có phạm tội thì chỉ phạm tội “giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” hoặc “giết người trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh”. Ngoài việc phân tích, chứng minh cho từng luận điểm của mình về trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, luật sư còn có thể đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ mà bị cáo được hưởng nếu bị kết án... Việc làm này của luật sư không thể coi là bào chữa “nước đôi, nước ba” vì luật sư đã chứng minh tất cả luận điểm của mình, không có tính chất lập lờ, không dứt khoát, hiểu thế nào cũng được. Tất cả luận điểm bào chữa của luật sư đều nhằm có lợi cho bị cáo, luật không cấm.
Khi luật sư đã đưa ra các bằng chứng, chứng minh cho từng luận điểm của mình và đề nghị đại diện VKS tranh luận thì kiểm sát viên không thể không tranh luận với luật sư từng vấn đề. Nếu kiểm sát viên không chấp nhận luận điểm của luật sư thì kiểm sát viên đưa ra bằng chứng để bác bỏ từng vấn đề mà luật sư nêu. Trên cơ sở tranh luận này, HĐXX đưa ra phán quyết là có chấp nhận lời bào chữa của luật sư hay không. Nếu chấp nhận thì chấp nhận theo phương án nào mà luật sư đưa ra.
Tuy nhiên, nếu nội dung lời bào chữa của luật sư có tính chất lập lờ, không dứt khoát, hiểu thế nào cũng được thì việc làm này của luật sư cần phải lên án, chứng tỏ luật sư thiếu tự tin, non kém hoặc láu cá, không trong sáng, có thủ đoạn đen tối. Ví dụ: Luật sư cho rằng kiểm sát viên công bố lời khai của bị cáo cũng tốt mà không công bố cũng chẳng sao!? Hoặc luật sư chỉ đưa ra những luận điểm mà không nêu những bằng chứng để chứng minh cho luận điểm của mình như: Bị cáo là người còn ít tuổi nên khó có thể thực hiện hành vi phạm tội; người bị hại không đồng tình thì làm sao bị cáo thực hiện được hành vi giao cấu... Về phần nhắc nhở luật sư, quyền này của chủ tọa phiên tòa chứ không phải của kiểm sát viên.
Trên thực tế thì cách bào chữa kiểu này đang tồn tại ở các phiên tòa hình sự và còn nhiều ý kiến khác nhau nên rất cần nghiên cứu, thống nhất chứ không thiên kiến hay loại hẳn và Liên đoàn Luật sư cần thống nhất hướng để nâng cao chất lượng bào chữa tại phiên tòa.
ĐINH VĂN QUẾ