- Xung quanh vụ án đánh bạc lớn chưa từng có tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) gây xôn xao dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với LS Phan Văn Chiều – Phó Trưởng Văn phòng luật sư An Phát, Đoàn luật sư tỉnh Hà Tĩnh.
Không được so sánh khi xét xử
Đây là một vụ án đánh bạc xảy ra trên địa bàn có giá trị tài sản rất lớn (trên 500 triệu đồng), gây xôn xao dư luận trên toàn tỉnh trong thời gian qua.
Trên cơ sở quy định pháp luật, HĐXX cần phải xem xét một cách toàn diện trên nhiều yếu tố khi xét xử như: vai trò, tính chất, mức độ phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ… để xem xét trách nhiệm hình sự của từng bị cáo.
|
Vụ đánh bạc “đầu voi đuôi chuột” đang gây dư luận xôn xao và sự quan tâm của lãnh đạo Hà Tĩnh. |
Hơn nữa, đây là một vụ án xâm phạm trật tự công cộng, gây dư luận không tốt về mặt xã hội và công tác quản lý xã hội trên địa bàn.
Do vậy, HĐXX cũng cần phải cân nhắc sự tác động, mức độ ảnh hưởng về mặt xã hội của vụ án để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đủ nghiêm khắc, mang tính chất răn đe, làm cơ sở phòng ngừa chung cho xã hội.
Trong vụ án này, nếu đưa một bản án đã được xét xử liên quan đến tội đánh bạc trước đó (phát ngôn của Chánh án TAND Thị xã Hồng Lĩnh Bùi Xuân Cần) làm hệ quy chiếu để cho rằng việc xét xử vụ án này là nặng hay nhẹ, theo quan điểm của tôi là không phù hợp với nguyên tắc khi xét xử quy định tại Điều 16 Bộ luật tố tụng hình sự: “Khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.
Trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử có quyền tiến hành xem xét vụ án một cách khách quan, độc lập trên cơ sở hồ sơ vụ án và các quy định pháp luật liên quan.
Mỗi vụ án có tính chất khác nhau, không thể lấy bản án này so sánh với bản án khác để cho rằng xử như vậy là quá nặng hay quá nhẹ.
Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Trên cơ sở quy định trên, nếu trong quá trình điều tra vụ án này Cơ quan cảnh sát điều tra có căn cứ chứng minh có việc tổ chức cho từ 10 người đánh bạc trở lên trong cùng một lúc, có sự cầm cố tài sản cho các con bạc vay, có sự phân công người canh gác, có sử dụng phương tiện điện thoại để trợ giúp đánh bạc là hoàn toàn có đủ căn cứ để khởi tố về Tội tổ chức đánh bạc theo quy định tại Điều 249 Bộ luật Hình sự;
Cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án, khởi tố bị can về Tội tổ chức đánh bạc khi có một trong các yếu tố trên là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Khi có đủ căn cứ về việc bỏ lọt tội phạm như trên, trong trường hợp nếu bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực do bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo quy định pháp luật thì Toà án cấp phúc thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh có quyền huỷ bản án sơ thẩm của TAND Thị xã Hồng Lĩnh để điều tra lại theo Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trường hợp bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật do không có kháng cáo, kháng nghị theo quy định pháp luật thì Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm này, trên cơ sở đó Hội đồng giám đốc thẩm TAND tỉnh Hà Tĩnh có quyền xét xử theo trình tự giám đốc thẩm huỷ bản án để điều tra lại theo quy định tại Điều 285 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo Điều 249 Bộ luật hình sự quy định:
1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Tái phạm nguy hiểm; 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” và theo Điều 2 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP ngày 22/10/2010 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của Bộ luật hình sự quy định: “Điều 2. Về một số quy định tại Điều 249 của Bộ luật hình sự 1. Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thuộc một trong các trường hợp sau đây là “với quy mô lớn”: a) Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một lúc cho từ mười người đánh bạc trở lên hoặc cho từ hai chiếu bạc trở lên mà số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng. b) Có tổ chức nơi cầm cố tài sản cho người tham gia đánh bạc; có lắp đặt trang thiết bị phục vụ cho việc đánh bạc; khi đánh bạc có phân công người canh gác, người phục vụ, có sắp đặt lối thoát khi bị vây bắt, sử dụng phương tiện như ô tô, xe máy, xe đạp, điện thoại... để trợ giúp cho việc đánh bạc; c) Tổng số tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trong cùng một lần có giá trị từ 20.000.000 đồng trở lên”. |
Hồng Lĩnh(ghi)