Mới đây, vụ bà Nguyễn Thị Kim Cúc (nguyên cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp) thoát tội nhận hối lộ sau năm phiên xử do chứng cứ buộc tội yếu đã gây xôn xao dư luận địa phương.
Chứng cứ kết tội không vững
Sáng 6-5-2009, Nguyễn Văn Chính (nhân viên lái xe Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp) bị công an bắt quả tang đang nhận 1.000 USD của một gia đình để lo cho một hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài. Tại cơ quan điều tra, Chính khai mình chỉ là người môi giới, nhận tiền cho bà Cúc vì bà Cúc là người trực tiếp phỏng vấn các đương sự. Chính khai cả hai đã thực hiện trót lọt hai vụ, Chính nhận 20 triệu đồng đưa cho bà Cúc, sau đó bà Cúc đưa lại cho Chính 4 triệu đồng...
Tháng 3-2010, xử sơ thẩm, TAND TP Cao Lãnh đã phạt bà Cúc chín năm tù về tội nhận hối lộ, Chính năm năm tù về tội môi giới hối lộ. Bà Cúc kháng cáo kêu oan, còn Chính kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Đồng Tháp xử phúc thẩm đã bác lời kêu oan của bà Cúc. Tuy nhiên, tòa xem xét hai bị cáo có nhân thân tốt nên giảm nhẹ hình phạt cho bà Cúc còn năm năm tù, Chính còn hai năm tù.
Tháng 9-2011, TAND Tối cao đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy cả hai bản án sơ, phúc thẩm để điều tra, xét xử lại vì chứng cứ kết tội chưa vững chắc và có những sai sót về tố tụng. Tháng 11-2012, xử sơ thẩm lần hai, TAND TP Cao Lãnh tiếp tục phạt bà Cúc tám năm tù, Chính ba năm tù.
Việc các tòa mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội khi xét xử trong các trường hợp chứng cứ yếu là điều tiến bộ, cần phải nhân rộng. Ảnh minh họa: HTD
Đến phiên phúc thẩm lần hai ngày 1-7 vừa qua, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên bà Cúc không phạm tội, còn Chính vẫn y án ba năm tù.
Theo tòa, ngoài lời khai của Chính thì không có chứng cứ khác chứng minh bà Cúc nhận hối lộ. Dù Chính khai có gọi điện thoại cho bà Cúc nói về hồ sơ kết hôn, giá cả, ngày giờ phỏng vấn nhưng nội dung những cuộc gọi này không xác định được, trong khi bà Cúc phủ nhận. Mặt khác, có nhân chứng khai biết chuyện Chính nhận, đưa tiền cho bà Cúc nhưng cũng chỉ nghe Chính kể lại. Tình tiết này thiếu khách quan nên không thể công nhận là chứng cứ buộc tội bà Cúc như lý lẽ của cấp sơ thẩm. Đồng thời, việc cấp sơ thẩm nhận định bà Cúc có thể sắp xếp hồ sơ phỏng vấn là chưa đủ cơ sở. Đây là suy đoán chung chung, không khẳng định được một trường hợp cụ thể nào.
Như vậy, việc án sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của Chính để kết tội bà Cúc là không đúng Điều 72 BLTTHS (lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội).
Tòa phải mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội
Nhìn nhận ở góc độ tố tụng, nhiều chuyên gia đánh giá cao việc TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên bị cáo không phạm tội. Bởi lẽ thực tế, trong rất nhiều vụ án mà chứng cứ buộc tội không vững chắc tương tự, thay vì mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội, nhiều hội đồng xét xử hoặc là trả hồ sơ điều tra bổ sung hoặc là vẫn cố kết tội, tuyên án.
Chẳng hạn vụ bị cáo LQĐ bị TAND một quận tại TP.HCM phạt hai năm tù về tội trộm cắp tài sản. Theo hồ sơ buộc tội, tối 24-12-2011, đi ngang thấy bà T. ngủ quên trên ghế trước cửa nhà, Đ. lẻn vào tìm tài sản trộm cắp. Hai người hàng xóm gần đó phát hiện bèn đánh thức, ra hiệu cho bà T. biết. Bà T. vào nhà thì thấy Đ. đang dẫn chiếc xe máy từ bếp ra gần đến cửa. Bà T. tri hô, Đ. bỏ xe chạy mất. Bà Đ. đánh thức con gái, cháu nội dậy kể lại chuyện đã xảy ra. Một lúc sau, thấy Đ. đi ngang, con gái bà T. đã tri hô và được bảo vệ dân phố hỗ trợ bắt Đ. giao công an.
Từ giai đoạn điều tra, Đ. đã không nhận tội. Ra tòa, Đ. khẳng định hồ sơ thể hiện Đ. bị bắt vì phạm tội quả tang là không đúng. Đ. bảo mình vừa đi ngang nhà bà T. thì bị bắt chứ không phải quay lại lần thứ hai như hồ sơ thể hiện. “Không có kẻ trộm nào đã bị phát hiện rồi còn ngang nhiên quay lại để bị bắt, nhất là ở đó gần trạm gác của công an, dân phòng. VKS buộc tội như thế, bị cáo không phục” - Đ. nói.
Nhìn lại hồ sơ buộc tội, cơ quan điều tra chủ yếu dựa vào lời khai của hai hàng xóm của bà T. cùng lời khai của phía nạn nhân. Hai hàng xóm khai có thấy Đ. vào nhà nên cảnh báo bà T. dù không biết Đ. có lấy gì hay không. Cháu bà T. thì khai khi được bà T. thông báo đã chạy từ trên lầu xuống, nhìn thấy xe máy bị dịch chuyển một đoạn.
Vụ việc còn những điểm chưa rõ: Hàng xóm của bà T. khai lần thứ nhất kẻ trộm vào nhà bà T. có đội mũ bảo hiểm màu vàng. Nhưng ở lần thứ hai bắt Đ. thì không thấy chiếc mũ bảo hiểm đó. Mặt khác, việc chiếc xe máy có xê dịch vị trí hay không chỉ có cháu bà T. khai. Ngoài ra, trường hợp bắt Đ. không phải là bắt người phạm tội quả tang mà chỉ là “bắt nguội”...
Nên nhân rộng
Theo TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương), BLTTHS hiện hành quy định không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, BLTTHS cũng cụ thể hóa trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh mình vô tội. Vì vậy, một khi cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ rõ ràng, vững chắc để kết tội thì nên suy đoán theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Việc các tòa mạnh dạn tuyên bị cáo vô tội trong các trường hợp này là điều tiến bộ, cần phải nhân rộng.
Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng cho biết: “Một khi không chứng minh được bị can, bị cáo phạm tội thì không thể kéo dài vụ án mãi bằng cách trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà phải chấp nhận là không thể buộc tội được họ”.
Thà bỏ lọt còn hơn làm oan Việc buộc tội một người chỉ thuyết phục nếu việc điều tra, truy tố được tiến hành toàn diện, đầy đủ, chứng cứ rõ ràng, việc thu thập chứng cứ phải đúng pháp luật. Hiện chúng ta ngày càng nghiêng dần về xu hướng đề cao tinh thần nhân đạo “thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội”. Vì vậy, tôi cho rằng khi việc điều tra chưa làm rõ được các vấn đề của vụ án thì nên cẩn trọng khi kết tội. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM Người xét xử phải có bản lĩnh Có những vụ án đã trả hồ sơ nhiều lần nhưng việc củng cố chứng cứ vẫn gặp khó khăn, thậm chí không khắc phục được. Lúc đó, phán quyết sẽ phụ thuộc vào cách đánh giá và bản lĩnh của hội đồng xét xử. Về nguyên tắc tiến bộ, cho dù nghi can có dấu hiệu phạm tội nhưng không đủ chứng cứ buộc tội thì tòa phải tuyên vô tội. Nhưng thực tế đúng là việc tòa mạnh dạn tuyên vô tội rất hiếm hoi. Thay vào đó, tòa thường trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hết số lần trả hồ sơ thì đưa ra xử, kết án bị cáo nhưng có “gia giảm” mức án. Nguyên nhân có một phần do thẩm phán quá thận trọng, sợ tuyên không có tội sẽ có cơ quan tố tụng phải bồi thường. Một kiểm sát viên cao cấp Viện Phúc thẩm III VKSND Tối cao |
HOÀNG YẾN