Tại phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn ngày 30-7 có một tình tiết đáng chú ý về mặt tố tụng: Trong lúc tranh luận, luật sư Đoàn Hữu Bền (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, bào chữa chỉ định cho bị cáo Vươn) đã nhiều lần vung tay nhằm diễn tả ý tứ của mình. Thấy vậy, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu luật sư không được vung tay và nói: “Luật sư không được cái kiểu “chém gió”. Nếu còn vung tay thì sẽ bắt ngồi xuống không cho nói nữa”.
Mô tả chứ không “chém gió”
Sáng 31-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho biết: BLTTHS có quy định mọi người ở trong phòng xử án đều phải có thái độ tôn trọng HĐXX, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều khiển của chủ tọa phiên tòa. Trong quá trình xét xử, khi trình bày mà luật sư vung tay, chỉ trỏ này nọ thì tùy mức độ mà chủ tọa phiên tòa có thể cho rằng đó là thái độ xem thường HĐXX và viện dẫn quy định không tôn trọng HĐXX để nhắc nhở, thực hiện các biện pháp cần thiết ngăn chặn, chấm dứt hành vi ấy. Đó thuộc về thẩm quyền điều khiển phiên tòa của chủ tọa. Tuy nhiên, việc xác định những động tác mang tính biểu cảm (vung tay, chỉ trỏ) đến mức độ nào thì được xem là hành vi không tôn trọng HĐXX lại chưa có quy chuẩn định tính, định lượng cụ thể mà do chủ tọa điều khiển phiên tòa đánh giá.
Các luật sư trong phiên phúc thẩm vụ Đoàn Văn Vươn. Ảnh: TTXVN
Ở tình huống trên, ông Độ chia sẻ: “Do không trực tiếp chứng kiến nên tôi rất khó đánh giá có sự không tôn trọng HĐXX hay không. Nhưng theo tôi, luật sư khi bào chữa không nên có hành động vung tay, chỉ trỏ vì không phù hợp với phép lịch sự của văn hóa Á Đông. Dù rằng phiên tòa nước ngoài, luật sư có thể đi lòng vòng, khoa tay, vung chân… nhưng ở nước ta thì không nên. Không phải là bên ta quá khắt khe đâu. Nhưng thử nghĩ xem, trong những phiên tòa hiện giờ có ai hành xử vậy đâu, từ công tố viên, thẩm phán, hội thẩm, đến ngay cả chủ tọa khi điều khiển phiên tòa hay tuyên án thì thái độ đều rất nghiêm túc, chừng mực. Vậy tại sao luật sư lại có thể hành xử như vậy? Nên công bằng trong thái độ ứng xử để thể hiện sự tôn trọng với mọi người có mặt trong phòng xử, tôn trọng sự trang nghiêm của pháp đình”.
Trong khi đó, luật sư Đoàn Hữu Bền khẳng định: “Việc tôi vung tay khi tranh luận không hề có ý không tôn trọng HĐXX mà chỉ nhằm mục đích mô tả chiếc khiên chống đạn của nhóm cán bộ thứ nhất vào cưỡng chế khác với nhóm thứ hai. Cụ thể, nhóm thứ nhất sử dụng khiên màu đen, có lỗ nhỏ để nhìn, còn nhóm thứ hai khiên màu trắng trong suốt, nhìn thấu toàn bộ. Tôi giơ tay mô tả hình chiếc khiên và chỉ tay để thể hiện cái lỗ của chiếc khiên. Chủ tọa nhắc nhở không vung tay, tôi chấp hành ngay và bỏ tay xuống. Tuy nhiên, vì đang mô tả chiếc khiên nên theo thói quen, tôi tiếp tục giơ tay lên. Ngay lập tức chủ tọa nói: “Ông luật sư không được cái kiểu “chém gió””.
Theo luật sư Bền, vì tôn trọng chủ tọa phiên tòa nên ông chấp hành và không phản ứng lại. Tuy nhiên, ông vẫn bức xúc vì ông giơ tay chỉ nhằm làm rõ về chiếc khiên nên việc chủ tọa phiên tòa nhận xét ông “chém gió” là “chưa đúng chuẩn mực ứng xử tại phiên tòa, cần phải rút kinh nghiệm”.
Chuyện bình thường!
TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) và luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho biết các bộ luật, luật tố tụng cũng như Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư đều không có điều khoản nào bắt buộc luật sư không được vung tay khi phát biểu tại phiên tòa.
“Các động tác vung tay, nhún vai… của luật sư là biểu hiện ngôn ngữ của cơ thể nhằm giúp luật sư mô tả, nhấn mạnh ý tứ, lập luận của mình. Nó không phải là hành vi xem thường HĐXX, cũng không hề làm ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa. Chỉ khi nào các động tác ấy được diễn tả một cách thái quá nhằm ám chỉ, xúc xiểm rõ rệt ai đó trong phòng xử thì mới cần lưu tâm. Người điều khiển phiên tòa cũng chỉ cần đảm bảo tính nghiêm trang, nghiêm túc của phiên tòa chứ không nên máy móc hạn chế tất cả động tác ấy” - TS Hưng nhận xét.
Còn luật sư Tâm phân tích: “Vung tay là biểu lộ tình cảm, đôi khi để thu hút sự chú ý của người khác là chuyện bình thường. Đôi khi những hành động ấy còn thể hiện nghệ thuật hùng biện của luật sư trước tòa. Tranh luận công khai là lúc luật sư có thể cung cấp chứng cứ mới để chứng minh cho luận cứ của mình thì họ có quyền dùng cả ngôn ngữ cơ thể diễn tả chứng cứ đó. Lúc này những cử chỉ cơ thể biểu hiện cảm xúc sẽ mang lại hiệu quả, thuyết phục người nghe và có giá trị chứng minh trước mặt hội đồng xét xử, sao lại phải cấm?”.
“Tại nhiều phiên xử, tôi cũng dùng ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ bàn tay để diễn đạt ý tứ mình muốn nói và chưa có ai phản đối cả” - luật sư Tâm cho biết.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam) thì cho rằng các động tác trên thuộc về phong cách bào chữa của từng luật sư. Phải phân biệt làm hai loại: Loại thứ nhất là động tác vung tay có thể làm cho người khác hiểu lầm thì chủ tọa nhắc nhở khéo léo để phiên tòa diễn ra bình thường. Loại thứ hai là phong cách ấy không tạo ra hiệu ứng xúc phạm người khác thì chủ tọa không nên nhắc nhở. Còn nếu muốn áp dụng biện pháp chế tài như “bắt ngồi xuống không cho nói nữa” thì chủ tọa phải chứng minh được hành động, lời nói nào của luật sư vi phạm nội quy phiên tòa chứ không nên “dọa chung chung”.
Luật không cấm Luật không cấm luật sư thể hiện trạng thái tình cảm khi tranh luận. Hiện nay khái niệm “văn hóa pháp đình” chưa được luật hóa nên mỗi người còn nhận định cảm tính. Chủ tọa lấy đánh giá chủ quan để nhắc nhở “cái không ảnh hưởng đến ai” thì có khi lại chính là người vi phạm văn hóa pháp đình. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM Hà cớ gì cấm Động tác vung tay chỉ đơn thuần mô tả ý tứ, không xúc xiểm ai, không gây náo loạn phiên tòa thì hà cớ gì phải cấm? Luật sư HOÀNG KIM VINH, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước Đừng “đóng khung” người tranh luận Trong lúc tranh luận không thể cứ cầm tờ giấy lên đọc một lèo xong bài bào chữa mà phải là hùng biện bao gồm lời nói kèm theo điệu bộ, cử chỉ. Đừng nên “đóng khung” người tranh luận khi họ đang hùng biện. Như vậy thì chẳng bao giờ có người hùng biện giỏi cả. Luật sư NGUYỄN ĐỨC CHÁNH Không nên lạm dụng Chủ tọa có quyền hạn chế hành vi thái quá nhưng không có nghĩa là lạm dụng quyền điều khiển phiên tòa để hạn chế tác nghiệp của luật sư. Nhiều thẩm phán khi đến phần luật sư tranh luận là có thái độ hằn học, định kiến ngay mà không chú ý luật sư muốn diễn tả điều gì. Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM |
NHÓM PV