Chiều 29-7, Bộ Tư pháp đã họp chỉnh lý dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân gia đình (HNGĐ), thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, đề xuất phương án xử phạt hành vi lợi dụng kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, xâm hại tình dục… dù rằng chuyện chứng minh mục đích của người vi phạm là vô cùng khó.
Càng cấm, vi phạm càng nhiều
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch (Bộ Tư pháp), ngao ngán kể không ít Việt kiều mới năm trước về Việt Nam kết hôn thì năm sau đã ly hôn, rồi năm sau đó lại thấy về kết hôn tiếp. Thậm chí có một Việt kiều Đức còn lặp lại điệp khúc này dăm lần đến “quen mặt” với cán bộ phòng hộ tịch. Truy tìm hồ sơ, cơ quan chức năng phát hiện trong chín năm, ông Việt kiều này đã từng liên tiếp kết hôn - ly hôn rồi kết hôn tới… ba cô vợ. Dĩ nhiên, khi phát hiện thì vụ kết hôn thứ tư cuối cùng bị từ chối thủ tục đăng ký nhưng cũng chỉ có thể khuyên giải họ rồi thôi, còn họ có “chịu nghe” hay tiếp tục đến địa phương khác kết hôn với người khác thì cũng đành chịu.
“Tôi không tin vị Việt kiều đó say mê nhan sắc đến mức liên tục săn đuổi những cuộc hôn nhân mới. Thực ra là họ thực hiện hợp đồng hôn nhân để đưa người ra nước ngoài mà thôi” - ông Khanh bày tỏ và cho rằng cần có quy định xử phạt những trường hợp kết hôn giả để xuất cảnh như trên chứ nếu chỉ áp dụng biện pháp từ chối đăng ký kết hôn thì khó ngăn chặn tình trạng vi phạm. Mà những vụ bị phát hiện kết hôn giả và từ chối thủ tục đăng ký thì ít so với số trót lọt.
Rút dự thảo quy định phạt kết hôn giả
Dự thảo ban đầu đã đề xuất quy định “phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi kết hôn giả để xuất cảnh”. Tuy nhiên, khi lấy ý kiến thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã đề nghị xem xét tính khả thi của quy định này vì rất khó để xác định hành vi kết hôn giả và mục đích của hành vi này. Văn phòng Chính phủ cũng yêu cầu rà soát, mô tả cụ thể và bổ sung quy định đối với hành vi kết hôn giả để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn áp dụng luật.
Theo ông Hà Kế Vinh, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp, pháp luật HNGĐ hiện hành không quy định mục đích kết hôn là điều kiện kết hôn, cũng không quy định thế nào là hành vi kết hôn giả. Hiện có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất, không mô tả được hành vi kết hôn giả. Do đó Thanh tra Bộ đề nghị không quy định xử phạt đối với hành vi kết hôn giả. Sau khi Luật HN&GĐ được sửa đổi, bổ sung trong đó có quy định cụ thể về hành vi kết hôn giả thì sẽ bổ sung quy định xử phạt hành vi này sau.
Phạt lợi dụng kết hôn để xuất cảnh
Cứ thử hỏi người Việt ở Đức xem, tỉ lệ người Việt kết hôn - ly hôn giả bây giờ khá nhiều. Tình trạng người Việt nhập cư vào Úc, Đức, Tiệp Khắc… bằng con đường kết hôn giả nhiều lắm, có giá hẳn hoi, 20.000 USD/vụ. Cần có quy định xử phạt để giữ hình ảnh Việt Nam với quốc tế. Ông VŨ ĐỨC LONG, Cục trưởng Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia (Bộ Tư pháp) |
Trong thực tế giải quyết đăng ký kết hôn, một số địa phương đã phát hiện được những trường hợp hết hôn giả không chỉ để xuất cảnh mà còn vì nhiều mục đích xấu khác. Vì vậy, việc quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giả là cần thiết và phù hợp với quy định “cấm kết hôn giả tạo” tại khoản 2 Điều 4 Luật HN&GĐ năm 2000.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền khẳng định: “Luật HN&GĐ đã có quy định cấm kết hôn giả thì phải có quy định chế tài. Nếu quy định cấm nhưng ai vi phạm cũng chẳng bị xử phạt để răn đe, chẳng bị làm sao cả thì thực tế quy định cấm sẽ không có hiệu lực thi hành”. Thứ trưởng tán thành, chỉnh lý quy định xử phạt này theo hướng: Xử phạt hành vi “lợi dụng việc đăng ký kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam hoặc quốc tịch nước ngoài; xâm phạm tình dục; bóc lột sức lao động và các mục đích khác vi phạm điều cấm của luật pháp”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng lo ngại rằng có quy định xử phạt hành vi này đấy nhưng việc thực hiện được hay không là cả một vấn đề vì chứng minh mục đích của người vi phạm không dễ.
BÌNH MINH