Năm 2007, vợ chồng ông Đỗ Văn Trung thành lập Công ty TNHH May mặc Phương Trinh (phường 7, quận 8, TP.HCM). Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở KH&ĐT TP.HCM cấp thì vợ ông Trung là chủ tịch hội đồng thành viên đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty, còn ông Trung là thành viên góp vốn.
Lấn cấn về người đại diện
Tháng 5-2011, khi công ty đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất thì vợ ông Trung mất vì bệnh hiểm nghèo. Sau đó, công ty phải ngừng hoạt động. Ông Trung phải bán nhiều máy móc, tài sản mới có tiền trả vài khoản vay trước đó. Riêng khoản vay ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (chi nhánh 8) tính đến tháng 6-2012 là hơn 16 tỉ đồng thì ông không trả được nên phía ngân hàng đã khởi kiện Công ty Phương Trinh đòi lại số tiền trên và yêu cầu trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực.
Thụ lý vụ kiện, TAND TP.HCM xác định vợ ông Trung là người đại diện theo pháp luật của Công ty Phương Trinh. Tuy nhiên, do bà đã mất, mặt khác công ty chỉ có hai thành viên (vợ chồng ông Trung) nên lúc này ông Trung vừa là chồng vừa là thành viên góp vốn nên đương nhiên sẽ trở thành người đại diện của công ty để giải quyết khoản nợ với ngân hàng. Ngoài ra, ông Trung còn một tư cách tố tụng khác là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Còn ba người con chung của ông Trung với vợ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Ông Trung cho rằng tòa tự xác định ông là người đại diện theo pháp luật của công ty là không đúng. Ảnh: T.TÙNG
Tháng 7-2012, TAND TP.HCM đã xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của phía ngân hàng. Sau phiên xử, ông Trung và các con đã kháng cáo, cho rằng việc tòa xác định ông Trung là đại diện theo pháp luật của công ty là không đúng...
Tòa xác định vội vàng?
Theo nhiều chuyên gia, khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp quy định trong trường hợp thành viên công ty TNHH là cá nhân chết hoặc bị tòa tuyên bố đã chết thì người thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) của thành viên đó là thành viên công ty.
Trong vụ này, khi vợ mất không để lại di chúc thì ông Trung không thể đương nhiên là đại diện theo pháp luật của Công ty Phương Trinh được. Cụ thể, lúc này các đồng thừa kế theo pháp luật của người đã mất là ông Trung và ba người con phải họp lại để cử ra một người làm đại diện theo pháp luật cho công ty. Sau đó, họ phải làm thủ tục xin đăng ký lại với Sở KH&ĐT. Nếu cơ quan này chấp thuận thì người đó mới là người đại diện theo pháp luật của công ty. Do đó, việc tòa tự xác định tư cách tham gia tố tụng của những người trong gia đình ông Trung như trên là sai sót nghiêm trọng về tố tụng.
Một kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao và luật sư Nguyễn Thanh Hiệp (Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng lẽ ra tòa phải tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả xác định người đại diện theo pháp luật mới của công ty từ cơ quan chức năng.
Luật sư Hiệp dẫn chứng: Khoản 3 Điều 189 BLTTDS quy định một trong những trường hợp tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có trường hợp “chấm dứt đại diện hợp pháp của đương sự mà chưa có người thay thế”. “Trong quá trình hành nghề, tôi biết thực tế nhiều tòa thận trọng đến mức gặp tình huống trên họ không thụ lý vụ án mà hướng dẫn đương sự về làm thủ tục cử người đại diện mới cho công ty” - luật sư Hiệp nói.
Luật còn bỏ ngỏ trường hợp chết Khoản 2 Điều 20 Nghị định 102/2010 của Chính phủ (hướng dẫn bổ sung về một số quyền và nghĩa vụ của thành viên công ty TNHH theo Luật Doanh nghiệp) quy định: Đối với công ty TNHH có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giữ, tạm giam, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị tòa tước quyền hành nghề vì phạm các tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty. Theo nhiều ý kiến, quy định trên đã bỏ sót trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty bị chết như vụ án cụ thể trong bài. Do đó, hướng dẫn cần bổ sung thêm trường hợp này để các cơ quan chức năng vận dụng thống nhất, không gây ra tranh cãi. |
THANH TÙNG