Theo Tổng cục THA dân sự, trước hết cần phải có sự phân biệt giữa tranh chấp tài sản và yêu cầu xác định, phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Phân biệt vụ án và việc dân sự
Tranh chấp liên quan đến tài sản đã kê biên và tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản... là vụ án dân sự, do tòa giải quyết theo quy định tại khoản 10, khoản 11 Điều 25 BLTTDS. Trong trường hợp này, cơ quan THA dân sự hướng dẫn các đương sự khởi kiện để tòa giải quyết.
Đối với việc xác định hoặc phân chia quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản mà không có tranh chấp là việc dân sự. Để phục vụ việc THA, cơ quan THA có thể hướng dẫn các đương sự hoặc tự mình yêu cầu tòa xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của người phải THA.
Xử lý tài sản chung của vợ chồng
Một lưu ý khác, theo Tổng cục THA dân sự, khi xác định phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung thì cần phân biệt hai trường hợp: tài sản chung thông thường và tài sản chung của vợ chồng.
Cưỡng chế thi hành án một phần căn nhà. Ảnh: HTD
Đối với tài sản chung thông thường, việc xác định tài sản riêng của mỗi người trong khối tài sản chung được thực hiện theo nguyên tắc của BLDS, BLTTDS. Theo đó, chấp hành viên cần thông báo cho các đương sự về việc phân chia, xác định tài sản của mình trong khối tài sản chung để đương sự tự thỏa thuận. Sự thỏa thuận này không được trái pháp luật, đạo đức xã hội, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người thứ ba. Trường hợp đã thông báo mà các đương sự không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không đúng pháp luật, đạo đức xã hội, ảnh hưởng đến người thứ ba... thì chấp hành viên cần thông báo cho người được THA đề nghị tòa phân chia tài sản. Trường hợp cả hai bên không yêu cầu tòa giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu tòa xác định theo quy định tại Điều 26 BLTTDS.
Đối với tài sản chung của vợ chồng, chấp hành viên xác định phần tài sản của vợ, chồng trong khối tài sản chung trên cơ sở Điều 74 Luật THA dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... Sau đó, chấp hành viên thông báo cho vợ, chồng biết để họ quyết định. Nếu họ không chấp nhận và không thỏa thuận được thì hướng dẫn họ yêu cầu tòa xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trong khối tài sản chung. Nếu hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phần sở hữu được chấp hành viên xác định, vợ hoặc chồng không khởi kiện thì chấp hành viên tiến hành xử lý tài sản và thanh toán lại cho vợ (chồng) của người phải THA giá trị phần tài sản thuộc quyền sở hữu của họ.
Chẳng hạn, trường hợp ông Trần Kim Sương (ngụ quận 10, TP.HCM) phải THA hơn 400 triệu đồng. Vợ chồng ông Sương có tài sản chung là một căn nhà ở quận 10. Tháng 1-2013, Chi cục THA dân sự quận 10 thông báo yêu cầu vợ chồng ông tự phân chia nhà trong thời hạn 30 ngày. Nếu hết thời hạn này mà vợ chồng ông không phân chia và cũng không kiện ra tòa để phân chia thì chấp hành viên sẽ xác định mỗi người được quyền sở hữu 1/2 căn nhà. Nếu vợ chồng ông Sương không đồng ý cách chia này thì có quyền kiện ra tòa để chia trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chấp hành viên xác định…
Không phải nộp án phí Trước đây, người được THA hoặc chấp hành viên yêu cầu tòa xác định phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung để đảm bảo THA theo quy định Luật THA dân sự thì các tòa không thụ lý vì không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa. Nay căn cứ vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (có hiệu lực ngày 1-1-2012) thì những yêu cầu trên tòa sẽ thụ lý giải quyết theo khoản 7 Điều 26 của bộ luật này. Căn cứ vào khoản 2 Điều 10 Pháp lệnh số 10/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí tòa án, khi chấp hành viên yêu cầu tòa xác định phần tài sản của người phải THA trong khối tài sản chung để THA thì không phải nộp tiền tạm ứng phí án phí, án phí. Ông NGUYỄN THANH THỦY, Tổng cục phó Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp) Thời điểm xác định Đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình (theo quy định của pháp luật về đất đai) thì tài sản chung của các thành viên trong hộ gia đình được xác định tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tổng cục THA dân sự |
KIM PHỤNG