Theo đó, ThS Đinh Văn Quế cho rằng trường hợp VKS truy tố bị cáo khoản 2 Điều 93 BLHS về tội giết người nhưng TAND (tỉnh Khánh Hòa) có quan điểm phải xử bị cáo ở khoản 1 điều luật này (khung hình phạt nặng hơn, đến tử hình) thì cứ đưa ra xét xử mà không cần phải trả hồ sơ vì luật cho phép. Ngoài ra, ông Quế còn cho rằng trường hợp này vẫn đảm bảo quyền được bào chữa của bị cáo (ngay tại tòa), còn ở giai đoạn điều tra, do bị cáo bị khởi tố ở khoản 2 nên luật không bắt buộc phải có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn này nên không vi phạm tố tụng…
Về cơ bản, tôi phần nào đồng tình với quan điểm của ông Quế. Nhưng tôi vẫn thấy còn có điều băn khoăn, cần trao đổi thêm.
Thứ nhất, quan điểm của ông Quế cũng như một số thẩm phán cho rằng tòa cứ xử vì đúng giới hạn xét xử mà Điều 196 BLTTHS cho phép (tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật…). Tuy nhiên, theo tôi, chính việc áp dụng Điều 196 này vô hình trung đã tước bỏ quyền bào chữa của bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra. Bởi lẽ quyền bào chữa của bị cáo phải được đảm bảo trong suốt quá trình tố tụng, từ giai đoạn điều tra cho đến khi xét xử chứ không chỉ được đảm bảo ở tại phiên tòa.
Vì vậy, theo tôi, sắp tới BLTTHS cần sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định chỉ cần bị can bị khởi tố về tội có khung hình phạt tử hình là phải đảm bảo có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, không phụ thuộc bị can bị khởi tố ở khung hình phạt có mức án tử hình hay không. Ví dụ trong vụ án ở Khánh Hòa đang đề cập, dù bị can bị khởi tố ở khoản 2 Điều 93 nhưng vẫn phải có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra. Như thế trong quá trình tố tụng, nếu cơ quan tố tụng có thay đổi khung hình phạt (theo hướng nặng hơn, có mức án tử hình) thì vẫn đảm bảo được quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong suốt quá trình tố tụng.
Thứ hai, từ tình huống tòa - viện chỏi nhau về quan điểm áp dụng khung hình phạt đã khiến luật sư phải khó khăn, vất vả khi bào chữa, tranh tụng tại tòa. Theo dõi diễn biến phiên tòa công khai xử vụ đang đề cập (TAND tỉnh Khánh Hòa xử sơ thẩm ngày 12-6, tuyên bị cáo 18 năm tù theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS, trong khi viện truy tố khoản 2) ta mới thấy tình huống này. Đó là đại diện VKS do bảo vệ quan điểm truy tố khoản 2 nên chỉ đọc quyết định truy tố và luận tội theo khoản 2. Từ đó, luật sư và bị cáo cũng phải “bám theo” quan điểm công tố của viện để bào chữa, tranh luận.
Và mặc dù quyết định đưa vụ án ra xét xử có ghi “bị cáo có thể bị xét xử ở khoản 1” nhưng chuyện có xét xử… thiệt hay không thì vẫn phải chờ biểu quyết kín của HĐXX trong khi nghị án. Đến khi tòa tuyên án thì mọi sự đã rồi, lúc này luật sư có muốn bào chữa, tranh luận với tòa thì cũng đã muộn. Đó là chưa nói, do quan điểm truy tố của Viện và quan điểm xét xử của tòa có sự vênh nhau nên rất có thể sẽ xảy ra tình huống quá trình xét hỏi mỗi bên làm một phách, luật sư cũng chẳng biết đâu mà lần.
Như vậy làm sao có thể nói quyền bào chữa của bị cáo đã được đảm bảo?!
Tất nhiên, ở góc độ nghề nghiệp, luật sư vẫn có thể xoay trở để khắc phục tình huống này. Đó là luật sư phải chuẩn bị cả hai phương án bào chữa, một để tranh tụng với viện, một để tranh tụng “thòng” trước với tòa. Khi đó, sau khi tranh luận với viện xong, luật sư có thể nói (đại ý) “do quyết định đưa vụ án ra xét xử có đề cập khả năng bị cáo có thể bị xét xử ở khoản 1 nên chúng tôi xin phát biểu quan điểm để tranh luận theo khả năng này…”.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa