Cách đây 10 tháng, trong phiên xử sơ thẩm hồi tháng 7-2012, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo Phan Văn Kích (nguyên hiệu trưởng Trường CĐ nghề Phú Yên) 15 tháng tù về tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng tội danh này, nguyên phó hiệu trưởng Nguyễn Hồng Phong bị xử phạt 18 tháng cải tạo không giam giữ, nguyên trưởng phòng Kế hoạch - Tài vụ Hồ Thị Bích Hà bị phạt 12 tháng tù treo.
Tranh cãi về nơi giám sát, giáo dục
Song song đó, TAND tỉnh Phú Yên cũng tuyên giao ba bị cáo cho UBND phường nơi họ cư trú giám sát, giáo dục trong thời gian chấp hành án và thử thách.
Sau đó, ba bị cáo kháng cáo. Tháng 9-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử Phúc thẩm, giữ nguyên mức án 15 tháng tù đối với bị cáo Kích nhưng cho hưởng án treo. Hai bị cáo còn lại, tòa bác kháng cáo, y án sơ thẩm. Khác với cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm lại tuyên giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục.
Hơn 20 ngày sau, một lãnh đạo TAND tỉnh Phú Yên đã ký công văn gửi tòa phúc thẩm, cho rằng án phúc thẩm giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là không đúng quy định tại các điều 61, 72, 181 Luật Thi hành án hình sự.
Sau đó, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng có công văn trả lời, khẳng định án phúc thẩm giao ba bị cáo cho Trường CĐ nghề Phú Yên giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật. Đó là các quy định tại khoản 2 Điều 31, khoản 2 Điều 60 BLHS; Điều 3 Nghị định 60/2000 của Chính phủ (về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ); Điều 3 Nghị định 61/2000 của Chính phủ (về việc thi hành hình phạt tù treo); điểm a Tiểu mục 6.6 Mục 6 và điểm d Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt).
Ngoài ra, công văn trên còn cho rằng Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hiện vẫn có hiệu lực thi hành, chưa bị thay thế hoặc hủy bỏ. Theo hồ sơ vụ án, đến thời điểm xét xử phúc thẩm, ba bị cáo Kích, Phong, Hà vẫn đang công tác tại Trường CĐ nghề Phú Yên, chưa bị đình chỉ công tác. Vì vậy, án sơ thẩm quyết định giao ba bị cáo cho UBND phường nơi ba bị cáo cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách là trái các quy định đã được liệt kê ở trên.
Ba bị cáo Phan Văn Kích, Nguyễn Hồng Phong, Hồ Thị Bích Hà tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: V.LƯƠNG
Tòa phúc thẩm sai!
Đối chiếu một loạt quy định, điều khoản mà hai cấp tòa sơ, phúc thẩm viện dẫn để chứng minh mình đúng nói trên, có thể thấy trong trường hợp này, tòa phúc thẩm đã vận dụng sai pháp luật!
Cụ thể, khoản 2 Điều 31 BLHS, khoản 2 Điều 60 BLHS, Điều 3 Nghị định 60/2000 của Chính phủ, Điều 3 Nghị định 61/2000 của Chính phủ đều quy định tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ, người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú… để giám sát, giáo dục.
Riêng điểm a Tiểu mục 6.6 Mục 6 Nghị quyết 01/2007 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn: Trường hợp người được hưởng án treo là cán bộ, công chức hoặc đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo mà vẫn được tiếp tục làm việc, học tập thì giao cho cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người được hưởng án treo giám sát và giáo dục.
Tuy nhiên, các quy định mà tòa phúc thẩm viện dẫn nói trên đều được ban hành trước Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011). Theo quy định tại các điều 63, 64, 74, 75 luật này thì UBND cấp xã nơi ba bị cáo Kích, Hà, Phong cư trú có trách nhiệm giám sát, giáo dục họ.
Đặc biệt, khoản 3 Điều 181 Luật Thi hành án hình sự quy định rất rõ: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, các quy định của BLHS, BLTTHS về thi hành án tử hình, thi hành án phạt tù, thi hành án treo, thi hành án phạt cảnh cáo, thi hành án phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án phạt trục xuất, thi hành án phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có nội dung khác với Luật này thì áp dụng theo quy định của Luật này”.
Đó là điều khoản bãi bỏ các quy định ở cấp độ luật, bộ luật không phù hợp với luật Thi hành án hình sự. Còn các nghị định 60, 61 của Chính phủ, Nghị quyết 01 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ là văn bản dưới luật nên không có giá trị thi hành bằng Luật Thi hành án hình sự. Nếu các văn bản dưới luật này có quy định không còn phù hợp với Luật Thi hành án hình sự thì đương nhiên phải áp dụng quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Như vậy, rõ ràng trong vụ việc trên, TAND tỉnh Phú Yên đã vận dụng đúng pháp luật khi tuyên giao các bị cáo cho UBND cấp xã nơi họ cư trú giám sát, giáo dục.
Một số quy định liên quan Quyết định thi hành án treo phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được hưởng án treo; mức hình phạt tù và thời gian thử thách của người được hưởng án treo; hình phạt bổ sung; UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo. (Theo khoản 1 Điều 61 Luật Thi hành án hình sự)
Quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ phải ghi rõ họ tên người ra quyết định; bản án được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người chấp hành án; thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; hình phạt bổ sung; tên cơ quan có nhiệm vụ thi hành; UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án. (Theo khoản 1 Điều 72 Luật Thi hành án hình sự) |
V.LƯƠNG