Điều này gây nhiều phiền toái không chỉ đối với người được hưởng án treo mà các cơ quan, tổ chức có người được tòa án cho hưởng án treo cũng lúng túng: Nếu bố trí, sắp xếp công việc cho người được hưởng án treo thì bị dư luận lên án, cho là “có vấn đề tiêu cực”, nếu để họ ngồi “chơi xơi nước” mà vẫn được hưởng lương thì “chướng” với nhiều người.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự, trong thời gian thử thách, tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Nếu tòa án không áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo Điều 30 và Điều 36 Bộ luật Hình sự, thì về nguyên tắc người được hưởng án treo vẫn có quyền đảm nhiệm chức vụ hoặc làm bất cứ nghề gì phù hợp với khả năng của mình.
Luật Thi hành án hình sự cũng như Nghị định số 61/2000 của Chính phủ việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo cũng quy định: Người được hưởng án treo là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, nếu được tiếp tục làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc trước khi phạm tội thì được bố trí công việc phù hợp với yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục và được hưởng chế độ của cán bộ, công chức, quân nhân, người lao động làm công ăn lương theo công việc mà mình đảm nhiệm.
Pháp luật quy định thời gian thử thách, những hạn chế về quyền công dân của người được hưởng án treo, tuy không cấm nhưng cũng không quy định cụ thể trong thời gian thử thách người được hưởng án treo có được đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề “cũ” mà trước khi phạm tội họ đã đảm nhiệm.
Như vậy, không có quy định nào cấm người được hưởng án treo đảm nhiệm chức vụ hoặc hành nghề trong thời gian thử thách. Nhưng trên thực tế, hầu như không cơ quan, tổ chức nào giao cho người được hưởng án treo làm việc như trước khi họ phạm tội, nhất là những người trước khi phạm tội họ giữ những chức vụ trong các cơ quan, tổ chức, dù trong bản án, tòa án không cấm họ hành nghề hoặc giữ các chức vụ.
Thông thường khi bị khởi tố, người đang giữ chức vụ sẽ bị tạm đình chỉ chức vụ đang giữ để phục vụ cho công tác điều tra, trong thời gian đó, cơ quan phải bố trí người khác thay thế. Đến khi được tòa án cho hưởng án treo thì “cái ghế” của người bị kết án đã có người khác ngồi. Nhưng với những người chỉ làm các nghề như: kế toán, thủ kho, thủ quỹ, bảo vệ, lái xe... mà không cho họ làm công việc cũ thì làm sao đáp ứng yêu cầu, mục đích giám sát, giáo dục người được hưởng án treo trong thời gian thử thách? Ví dụ: Một thủ quỹ do thiếu trách nhiệm nên để kẻ gian trộm cắp tiền quỹ trong két sắt, khi xét xử tòa án cho người này được hưởng án treo và không cấm hành nghề, thì cơ quan, đơn vị nên để họ tiếp tục làm thủ quỹ để họ được thử thách ngay trong quá trình làm thủ quỹ. Có như vậy mới phù hợp với yêu cầu, mục đích thử thách đối với họ. Không có sự thử thách nào có tác dụng bằng việc cho họ làm cái nghề mà họ đã bị kết án; họ sẽ có trách nhiệm hơn, chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật và nếu họ lơ là, chủ quan họ sẽ phải trả một cái giá rất đắt (phải chấp hành hình phạt tù, mà tòa án cho họ được hưởng án treo)!
Sắp xếp để họ làm việc như cũ hoặc tạo điều kiện cho họ làm việc phù hợp với năng lực, chuyên môn của mình cũng tức là đạt được mục đích của việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo.
ĐINH VĂN QUẾ