Sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng loạt bài “Trần ai “con kiến” kiện “củ khoai””, Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) đã có một bài viết phân tích sâu sắc về mặt pháp lý xung quanh chuyện thi hành án hành chính hiện nay.
Luật Tố tụng hành chính có những quy định rất tiến bộ khi mở rộng cửa khởi kiện cho người dân, hướng tới sự bình đẳng giữa các bên trong tố tụng. Tuy nhiên, liên quan đến công tác thi hành án (THA), một số quy định của luật đã bộc lộ những bất ổn, chưa góp phần tích cực giúp người thắng kiện đòi lại được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Chỉ được “yêu cầu”, “đôn đốc”
Trước hết, khoản 1 Điều 244 quy định trường hợp người phải THA không THA thì người được THA có quyền yêu cầu người phải THA thi hành ngay bản án, quyết định của tòa. Khoản 2 của điều luật cho người được THA quyền yêu cầu bằng văn bản với người phải THA. Tôi cho rằng việc quy định quyền yêu cầu như trên là quá nhẹ và chưa đủ sức nặng!
Tiếp đó, khoản 3 và khoản 4 của điều luật quy định thêm trường hợp người phải THA không thi hành bản án, quyết định của tòa thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có yêu cầu bằng văn bản, người được THA có quyền gửi đơn đề nghị cơ quan THA dân sự nơi tòa án đã xét xử sơ thẩm đôn đốc việc thi hành bản án, quyết định của tòa. Khi nhận được đơn đề nghị của người được THA, cơ quan THA dân sự đôn đốc người phải THA. Song song đó, cơ quan THA dân sự thông báo bằng văn bản với cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA để chỉ đạo việc THA và VKS cùng cấp để thực hiện việc kiểm sát THA...
Như vậy, luật cho cơ quan THA dân sự tại địa phương mà tòa sơ thẩm đã xét xử có quyền đôn đốc cơ quan, người có thẩm quyền phải THA của tòa nhưng không tính đến hiệu quả của việc đôn đốc này trên thực tế. Bởi cơ quan THA dân sự địa phương trong rất nhiều trường hợp là cấp dưới của cơ quan, người phải THA. Suy cho cùng, cơ quan THA dân sự địa phương cũng chỉ có trách nhiệm gửi văn bản đôn đốc chứ không có quyền lực “nặng ký” nào như cưỡng chế buộc bên phải THA thực thi bản án của tòa cả. Nói cách khác, văn bản của một cơ quan quá nhỏ đôn đốc một cơ quan lớn hơn thì hiệu lực thực tế của việc đôn đốc này rất thấp, không có tác dụng lớn lao gì.
Tại Điều 245 có quy định khi người phải THA không THA, không thông báo kết quả THA thì cơ quan THA dân sự phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải THA biết để xem xét, chỉ đạo việc THA và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật... Thực tế, có Chi cục THA nào dám đề nghị UBND cấp tỉnh xử lý trách nhiệm của UBND cấp huyện khi chính bản thân chi cục còn lệ thuộc địa phương về mặt tổ chức, nhân sự?
Chưa hết, Điều 247 quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân phải THA cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc THA thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Đây là quy định mang tính răn đe nhưng thực tế chưa có cơ chế để làm, ai là người xử lý và đã có ai dám làm đâu!
Phải sửa luật!
Chính từ những bất ổn trên mà việc THA hành chính hiện nay chưa hiệu quả. Tôi rất thông cảm với thân phận của những người dân “trầy vi tróc vảy” đi khiếu kiện nhưng thắng kiện mà cũng như không. Tuy nhiên, tôi cũng rất thông cảm với các cơ quan THA dân sự khi họ rơi vào tình cảnh có thẩm quyền đôn đốc THA nhưng lại “yếu thế” hơn người phải THA trong trường hợp người phải THA là chính quyền địa phương hay lãnh đạo chính quyền địa phương. Tòa xét xử án hành chính chịu sức ép đã đành nhưng xử xong thì về mặt tâm lý còn đỡ mệt hơn cơ quan THA.
Theo tôi, cần phải có sự điều chỉnh luật để phát huy sức mạnh của công tác THA hành chính. Chúng ta cần đề ra một trình tự, thủ tục THA hành chính đầy đủ về cơ quan thi hành, thẩm quyền thi hành, các bước thi hành, các “biện pháp mạnh” và các chế tài cụ thể nếu bên phải THA cố tình chây ì. Có thể quy định thêm như thủ trưởng cơ quan nhà nước cấp trên trực tiếp có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc THA hành chính của cấp dưới; trong trường hợp cần thiết có quyền buộc phải chấp hành quyết định của tòa về vụ án hành chính...
Có như vậy thì hiệu quả THA hành chính sẽ được nâng lên, không cần lòng vòng thêm thủ tục đôn đốc vốn hình thức mà không khả thi như hiện nay.
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa phúc thẩm TANDTối cao
Thẩm phán cũng “khổ”! Nhiều công chức - người có quyền lực - chưa quen tâm lý trở thành một bên đương sự bình đẳng với người dân. Họ ra tòa vẫn mang tư tưởng cấp trên nên phong cách giao tiếp chưa chuẩn. Điều đáng tiếc sau các phiên tòa hành chính là có một số người bị kiện khá bảo thủ nên khi thua kiện thì trở nên cay cú, không thoải mái khi tiếp xúc lại với thẩm phán, chánh án. Trong mối quan hệ làm việc hằng ngày, họ sẽ đánh giá các thẩm phán đã “gây khó chịu” cho mình một cách không khách quan. Có lần tôi giải quyết một vụ án mà bên bị kiện cử chánh Văn phòng UBND tỉnh làm đại diện. Người này là bạn học cũ của tôi, cũng khá thân. Hôm đó, tôi vào phòng xử, tới bàn HĐXX thì người bạn học nhận ra và tiến đến tay bắt mặt mừng. Tôi lập tức cho tay vào túi quần rồi nghiêm mặt bước lên bục xử. Tôi bắt buộc phải hành xử như vậy vì đây không phải là giao tiếp bình thường mà là giao tiếp tại phiên tòa. Lúc này tôi đang tiến hành tố tụng, nếu tôi tay bắt mặt mừng với bạn thì người đi kiện sẽ nghĩ sao? Liệu họ có còn tin rằng thẩm phán sẽ khách quan, vô tư? Điều đáng tiếc là người bạn học của tôi không thông cảm, ngay trong phiên xử đã tỏ thái độ bực bội, sau đó coi như không quen biết... Vì công vụ, đôi khi chúng tôi đành chấp nhận mất đi một người bạn bởi nghề xét xử đòi hỏi phải cầm cân nảy mực, thượng tôn pháp luật. Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG Chỉ được “kiến nghị” VKS trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của tòa án nhằm bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. VKS có quyền kiến nghị với cá nhân, cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ THA hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của tòa án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của tòa án. (Theo Điều 248 Luật Tố tụng hành chính) |