Ngoài ra, còn nhiều văn bản hướng dẫn như các nghị định số 68/2002 và số 24/2013 của Chính phủ, Thông tư số 07/2002 của Bộ Tư pháp, Nghị quyết số 01/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao... Tuy nhiên, tổng kết 12 năm thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình, theo Bộ Tư pháp, thực tế đã phát sinh nhiều trường hợp vướng mắc cần điều chỉnh.
Chẳng hạn, trường hợp công dân Việt Nam đi lao động xuất khẩu rồi trốn ở lại nước ngoài, chồng (vợ) ở nhà mất liên lạc nên muốn ly hôn. Hoặc trường hợp công dân Việt Nam lấy chồng (vợ) là người nước ngoài rồi theo bạn đời ra nước ngoài sinh sống, sau đó bỏ về nước và muốn ly hôn. Lúc này tòa án rất khó giải quyết vì không thể ủy thác tư pháp hoặc ủy thác rồi mà không có kết quả.
Với các trường hợp trên, có ý kiến cho rằng nên sửa luật theo hướng tòa giải quyết cho ly hôn nhưng không giải quyết về tài sản. Nếu sau này các đương sự có tranh chấp về tài sản thì khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Ngoài ra, thực tiễn xét xử phát sinh tình huống hai người nước ngoài kết hôn ở nước ngoài, sau đó sang Việt Nam sống và xin ly hôn tại tòa án Việt Nam. Có tòa thụ lý, có tòa không. Vì vậy rất cần có quy định cụ thể để áp dụng thống nhất.
Nhiều thẩm phán còn cho biết gặp khó khăn với trường hợp đương sự xin ly hôn và tranh chấp bất động sản ở nước ngoài. Luật Hôn nhân và Gia đình quy định “việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn phải tuân theo pháp luật nước nơi có bất động sản”. Vì vậy, xét xử các trường hợp này rất phức tạp bởi vừa vướng thủ tục ủy thác tư pháp vừa phải tìm hiểu, vận dụng pháp luật nước ngoài…
THANH TÙNG