Ngày 16-5, tại buổi tọa đàm về những hạn chế, vướng mắc trong thực thi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh nhận xét: Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.
Khó ngay từ thủ tục ban đầu
Ông Tịnh phân tích: Theo Điều 4 luật này thì người bị thiệt hại chỉ có quyền yêu cầu bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Trong khi đó, thực tế để có được văn bản xác định hành vi trái pháp luật, người bị thiệt hại phải thực hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo và “con đường gian khó” này mất khá nhiều thời gian.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ở một số bộ, ngành, địa phương, sau ba năm triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà vẫn chưa có bất kỳ một trường hợp yêu cầu bồi thường nào. Bởi vì người bị thiệt hại vẫn đang trong quá trình khiếu tố, yêu cầu xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
Nhìn nhận khó khăn này của người bị thiệt hại, TS Nguyễn Văn Cường (Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TAND Tối cao) đặt ra một tình huống vướng mắc: Người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại và bị khởi tố nhưng lại chết trước khi tòa tuyên án. Lúc này, ai chịu trách nhiệm giải quyết quyền lợi chính đáng cho người bị thiệt hại?
Theo TS Cường, ở tình huống trên, nếu người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật trong các lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng hình sự, thi hành án thì xem như yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại đã bị “chặn đứng” vì thiếu văn bản hướng dẫn.
Còn nếu người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính thì vướng mắc trên đã được tháo gỡ bằng Thông tư liên tịch số 01/2012 của TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp. Theo đó, người bị thiệt hại có quyền khiếu nại, tố cáo tới chánh án tòa án quản lý người tiến hành tố tụng đã chết ấy. Nếu xét thấy việc khiếu nại, tố cáo có căn cứ thì chánh án phải thành lập hội đồng tư vấn xem xét hành vi bị khiếu nại, tố cáo là trái pháp luật. Trên cơ sở đó, chánh án sẽ ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, xác định người tiến hành tố tụng đã chết có thực hiện hành vi ấy không. Quyết định này được xem là văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người đã tiến hành tố tụng và là căn cứ để người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường.
Thời hiệu chưa hợp lý
Nhiều chuyên gia cho rằng quy định thời hiệu yêu cầu bồi thường là hai năm kể từ ngày có văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ (Điều 15 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) vừa gây ra nhiều hạn chế cho người bị thiệt hại, vừa bất cập so với các quy định pháp luật khác.
Luật sư Ngô Văn Hiệp (Văn phòng luật sư Hiệp và Liên danh) bày tỏ lo ngại: Trường hợp cơ quan chức năng đã ban hành văn bản xác định hành vi trái pháp luật nhưng vì lý do nào đó mà người bị thiệt hại không nhận được hoặc chậm nhận được văn bản thì e rằng sẽ mất thời hiệu yêu cầu bồi thường.
Theo đại diện Cục Bồi thường Nhà nước, quy định về thời hiệu nói trên cũng chưa phù hợp với Bộ luật Dân sự (thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm).
TS Nguyễn Văn Cường chỉ ra thêm một điểm chưa chặt chẽ: Trong trường hợp văn bản xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là bản án, quyết định của tòa thì bản án, quyết định của tòa chỉ có giá trị thi hành khi đã có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, sau 15 ngày (đối với quyết định sơ thẩm) và sau 30 ngày (đối với bản án sơ thẩm) mà không có kháng cáo, kháng nghị thì mới có hiệu lực pháp luật. Do đó, cần sửa đổi thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại trong trường hợp này là hai năm kể từ ngày bản án, quyết định của tòa có hiệu lực pháp luật.
Đề xuất quy trình bồi thường “một cửa”
Tiếp thu góp ý của các bộ, ngành, Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Thanh Tịnh đề xuất thay vì thực hiện quy trình bồi thường “hai cửa” (thủ tục xác nhận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và thủ tục bồi thường) thì nên xây dựng quy trình “một cửa”. Theo đó, cơ quan có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường xem xét, kết luận luôn là hành vi người thi hành công vụ có trái pháp luật hay không, có phải bồi thường hay không...
Cục trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cũng cho rằng cần có mô hình mới về cơ quan giải quyết bồi thường để giải quyết mối quan hệ bất bình đẳng giữa cơ quan nhà nước làm trái pháp luật, phải bồi thường và người bị thiệt hại. Mô hình hiện nay là cơ quan nào gây thiệt hại cũng chính là đơn vị giải quyết bồi thường ban đầu không ổn. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản và Mỹ (hai nước thực thi bồi thường nhà nước rất tốt) thì họ giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Đã chi bồi thường 20 tỉ đồng Tính đến ngày 30-9-2012, các cơ quan chức năng cả nước chỉ mới thụ lý 173 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và đã giải quyết xong 133 vụ. Tổng số tiền đã chi trả bồi thường khoảng 20 tỉ đồng. Hầu hết các vụ việc đã được giải quyết tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Riêng có 22 vụ, người bị thiệt hại không đồng ý với kết quả giải quyết nên khởi kiện ra tòa để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. (Số liệu thống kê của Cục Bồi thường Nhà nước) Một số vụ bồi thường oan ● Sau gần 10 năm bị vướng vào vòng tố tụng oan ức với 35 tháng giam oan, 68 tháng cấm đi khỏi nơi cư trú, ông Lương Ngọc Phi đã được TAND tỉnh Thái Bình tổ chức công khai xin lỗi vì không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Ông Phi đã yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần lên tới… 55 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua sáu vòng thương lượng, ông Phi được bồi thường 660 triệu đồng... ● Anh Trương Hoàng Hiếu, ngụ huyện Châu Thành (Sóc Trăng) phải ngồi tù oan 844 ngày vì hành vi cố ý gây thương tích. Khi bị bắt tạm giam, anh Hiếu đang học năm thứ tư Trường ĐH Kinh tế Nha Trang. Sau khi được minh oan, anh Hiếu yêu cầu bị đơn là TAND huyện Mỹ Tú phải bồi thường tổng số tiền 524 triệu đồng. Tuy nhiên, qua hai cấp xét xử, mức bồi thường anh Hiếu được nhận là hơn 128 triệu đồng. ● Ông Phạm Vũ, ngụ huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) bị khởi tố oan gần 1.500 ngày, trong đó có 139 ngày bị tạm giam về tội cố ý gây thương tích. Được minh oan, ông Vũ yêu cầu VKS huyện Đức Trọng bồi thường hơn 652 triệu đồng nhưng chỉ được chấp nhận gần 78 triệu đồng. Không đồng ý, ông Vũ kiện ra tòa và mức bồi thường được tòa tuyên là hơn 100 triệu đồng... |
BÌNH MINH