Nhằm hướng dẫn thống nhất Luật Luật sư (LS) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều người là Dự thảo Nghị định quy định ra sao về thù lao, chi phí cho LS tham gia tố tụng.
Trần thù lao – nâng vẫn “kêu”
Theo Điều 10 Nghị định số 28/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật LS, mức trần thù lao của LS là 100 nghìn đồng/giờ khi LS tham gia vụ án hình sự (tương đương 18,5% so với mức lương tối thiểu năm 2007) và 120 nghìn đồng/ngày khi luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (khoảng 22% so với mức lương tối thiểu năm 2007).
Đến nay, mức lương tối thiểu đã tăng khá nhiều (tăng 94,5%). Vì vậy, quy định mức trần thù lao tại Nghị định số 28/2007/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, dẫn đến tình trạng khó khăn trong việc cử LS tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (thường gọi là LS chỉ định). Do đó, Dự thảo Nghị định dự kiến sửa đổi quy định về thù lao của LS khi tham gia tố tụng hình sự.
Cụ thể, mức thù lao LS tham gia tố tụng trong vụ án hình sự do khách hàng và văn phòng LS, công ty luật thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý; được tính theo giờ hoặc tính trọn gói theo vụ việc, nhưng mức cao nhất quy ra giờ không được vượt quá 0,3 lần mức lương tối thiểu chung/giờ làm việc của LS.
Đối với trường hợp chỉ định thì mức thù lao được trả cho LS là 0,4 lần mức lương tối thiểu chung/ngày làm việc của LS. Ngoài khoản tiền thù lao, trong quá trình chuẩn bị và tham gia bào chữa tại phiên tòa và các cơ quan tiến hành tố tụng, LS được thanh toán chi phí tiền tàu xe, lưu trú theo quy định hiện hành về chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác trong nước.
Việc nâng mức trần thù lao đối với LS tham gia tố tụng như vậy nhằm đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu thực tế, góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc huy động LS tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
Góp ý về vấn đề trên, hôm qua (24/4), LS Hoàng Huy Được cho rằng: mức thù lao là do khách hàng và văn phòng LS, công ty luật thỏa thuận thì không cần quy định trong Dự thảo Nghị định và nếu vẫn giữ quy định này, mức cao nhất có thể nâng lên thành 0,5 lần mức lương tối thiểu chung/giờ làm việc của LS.
Bên cạnh đó, một số ý kiến lại cho rằng cũng không nên quy định thù lao và chi phí cho LS trong trường hợp LS tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến lý giải, thù lao, chi phí của LS đã được quy định tại Điều 55, Điều 57 Luật LS và Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn, vì vậy cần phải được quy định trong Nghị định để có cơ sở pháp lý áp dụng trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn LS Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ, cho dù Nhà nước quy định thế nào thì LS thường “kêu” nhiều về thù lao, chi phí khi mà đời sống xã hội, tình hình tài chính, lạm phát… đều vận dộng rất nhanh, kể cả có quy định nâng mức trần cao lên “thì LS vẫn kêu”.
“Mức trần thù lao cần phải được quy định nhưng nên chăng bên cạnh đó cũng có quy định rằng sau một khoảng thời gian nào đó, mức trần thù lao sẽ được điều chỉnh cho phù hợp, tùy thuộc vào tình hình xã hội, lạm phát…”, ông Thịnh kiến nghị.
“Mở cửa” cho LS Việt Nam làm việc cho hãng luật nước ngoài
Luật LS đã “khoanh vùng” rất rõ phạm vi hành nghề của LS nước ngoài. Theo đó, LS nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, chỉ được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một LS Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam.
Đây là quy định được ủng hộ vì nó cũng là xu thế chung của các nước trên thế giới - không cho phép LS và công ty luật nước ngoài tư vấn pháp luật nước bản địa. Tuy nhiên, LS Trần Tuấn Phong bày tỏ, quy định này khiến cho LS Việt Nam làm việc tại chi nhánh, công ty luật nước ngoài rất “thiệt thòi”. Bởi thế, LS Phong đề xuất cho phép LS Việt Nam làm việc cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tư vấn pháp luật Việt Nam.
Về đề xuất này, đại diện Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định đã nhấn mạnh sẽ quy định “mở” hơn đối với phạm vi hành nghề của LS Việt Nam làm việc cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài. Theo đó, LS Việt Nam làm việc cho chi nhánh, công ty luật nước ngoài được tư vấn pháp luật Việt Nam, bao gồm hướng dẫn, đưa ra ý kiến, giúp khách hàng soạn thảo các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ và các hình thức tư vấn pháp luật khác.
Thục Quyên