Theo ông Trần Văn Bảy, Trưởng phòng Bổ trợ tư pháp (Sở Tư pháp TP), Luật Giám định tư pháp có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Giám định tư pháp cũ.
Một điểm mới đáng chú ý là quyền yêu cầu giám định tư pháp. Theo Pháp lệnh Giám định tư pháp cũ thì việc trưng cầu giám định là do các cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng, nếu các đương sự có yêu cầu thì cũng phải thông qua các cơ quan tố tụng. Còn Luật Giám định tư pháp quy định rõ rằng đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp cho họ có quyền tự mình trực tiếp yêu cầu giám định khi đã đề nghị cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Điều này thể hiện tính dân chủ trong hoạt động giám định tư pháp.
Cạnh đó, luật cũng quy định không miễn nhiệm, thu hồi thẻ hành nghề mà vẫn để giám định viên đến tuổi nghỉ hưu tiếp tục cống hiến, trừ trường hợp họ tha thiết xin nghỉ hưu.
Ngoài ra, luật cho phép các cá nhân có quyền thành lập văn phòng giám định tư pháp ngoài công lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả... Theo dự kiến, mô hình hoạt động văn phòng giám định tư pháp cũng gần giống như mô hình hoạt động của các văn phòng công chứng hiện nay...
Bà Ung Thị Xuân Hương, Giám đốc Sở Tư pháp TP, cho biết: Trong quá trình chờ các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể về Luật Giám định tư pháp thì các cơ quan giám định, giám định viên cứ bám sát vào luật để thực hiện nhiệm vụ cũng như thành lập văn phòng giám định tư pháp.
PHAN THƯƠNG