Thay vì ra quyết định đình chỉ vụ án vì không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.
Đây là cách các cơ quan tố tụng hay áp dụng để né bồi thường oan vì cụm từ trên bị họ diễn dịch lập lờ theo cách áp đặt chủ quan.
Theo khoản 1 Điều 25 BLHS, người phạm tội sẽ được miễn trách nhiệm hình sự nếu khi điều tra, truy tố hoặc xét xử do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Trước hết việc xem xét đánh giá hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội thuộc quyền và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, khi xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội có còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không, phải xem xét hành vi phạm tội trước đó xâm phạm đến quan hệ xã hội nào và quan hệ xã hội đó có chuyển biến làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa không? Ở đây sự chuyển biến của tình hình phải là nguyên nhân làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa chứ không phải sự chuyển biến tình hình nào cũng làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm. Ví dụ: A phạm tội “vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” vì đã có hành vi lấn chiếm đất. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, do thiên tai nên diện tích đất mà A lấn chiếm bị nước lũ cuốn trôi, đất lấn chiếm không còn, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A không cần thiết nữa.
Do sự chuyển biến của tình hình không đồng nghĩa với quy định của pháp luật thay đổi. Trường hợp miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi có sự thay đổi của pháp luật không phải là do chuyển biến của tình hình, nên không thể căn cứ vào khoản 1 Điều 25 Bộ luật Hình sự để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cơ quan tố tụng chỉ có thể căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, vào nghị định của Chính phủ, thông tư liên tịch của các bộ, ngành có quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội để áp dụng.
Trường hợp do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa khó xác định hơn sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong thực tiễn các cơ quan tiến hành tố tụng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được hiểu là bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì nay vẫn như vậy nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, nguyên nhân làm cho con người họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do sự nỗ lực phấn đấu của bản thân họ. Ví dụ: Sau khi phạm tội đánh bạc, A được điều động làm nhiệm vụ chống bão lụt. Do tình hình này mà A được các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự để A thực hiện nhiệm vụ cấp bách…
Nếu chỉ vì chứng cứ “yếu” do điều tra không đầy đủ hoặc chưa xảy ra hậu quả hay người bị hại có đơn bãi nại… thì đó không phải là căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Việc có một quyết định hoặc bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật cũng không phải là do chuyển biến tình hình, nếu có thì đó là căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu đã khởi tố, truy tố, xét xử rồi thì phải hủy các quyết định đó và đình chỉ vụ án chứ không phải trường hợp miễn trách nhiệm hình sự.
ĐINH VĂN QUẾ