Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên xử vụ tranh chấp kinh tế giữa ông HVT với người con trai út. Trong phiên tòa này, luật sư Trương Đình Tùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) là người bảo vệ quyền lợi cho ông T.
Cung cấp chứng cứ giả mạo
Trước đó, tháng 7-2006, ông T. đã lập hợp đồng tặng cho (có công chứng) một căn nhà trên đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) cho người con trai út. Một thời gian sau, mâu thuẫn cha con phát sinh, ông T. đã khởi kiện yêu cầu TAND quận Phú Nhuận hủy hợp đồng tặng cho trên vì cho rằng bị con lừa dối.
Làm việc với tòa, ông T. nói mình không biết tiếng Việt nên mới bị người con trai út qua mặt để ký hợp đồng công chứng tặng cho nhà. Tòa xác minh thì địa phương xác nhận ông T. sống tại đây từ năm 1960, biết và nghe rõ tiếng Việt. Thu thập thêm tại phòng công chứng, các công chứng viên cũng xác nhận ông T. hoàn toàn nghe, nói được tiếng Việt. Ngoài ra, nhiều nhân chứng khác cũng xác nhận điều này. Vì vậy, khi xử sơ thẩm, TAND quận Phú Nhuận đã bác yêu cầu của ông T.
Ông T. kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm vừa qua, luật sư Trương Đình Tùng đã cung cấp cho tòa một bản sao hợp đồng tặng cho nhà không có xác nhận của nhân chứng. Dựa vào đó, luật sư Trương Đình Tùng cho rằng hợp đồng công chứng không hợp lệ nên yêu cầu tòa phúc thẩm hủy hợp đồng tặng cho nhà theo yêu cầu của thân chủ ông.
Tòa phúc thẩm đối chiếu với tài liệu gốc đang có trong hồ sơ lưu trữ thì rõ ràng hợp đồng tặng cho nhà có xác nhận của nhân chứng. Tòa khẳng định chứng cứ mà luật sư Trương Đình Tùng cung cấp là giả mạo. Ngoài ra, theo tòa, luật sư này còn cố tình phôtô sót giấy tờ liên quan đến hợp đồng công chứng. Từ đó, chủ tọa phiên tòa đã yêu cầu luật sư Trương Đình Tùng phải “nghiêm khắc rút kinh nghiệm”.
Cuối cùng, tòa phúc thẩm nhận định các bên đương sự không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới để làm thay đổi sự việc nên giữ nguyên bản án sơ thẩm.
“Chưa có hậu quả, nhắc nhở là chính”
Sau phiên tòa trên, có ý kiến cho rằng lẽ ra tòa phúc thẩm cần phải chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra để làm rõ hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của luật sư theo Điều 300 BLHS. Bởi lẽ điều luật này quy định rất rõ như sau: “Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án, nhân viên tư pháp khác, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự nào mà thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng các tài liệu, vật chứng của vụ án hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ án thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm”.
Trao đổi với chúng tôi, Thẩm phán Hoàng Văn Trung - chủ tọa phiên tòa phúc thẩm lý giải: Hành vi cung cấp chứng cứ giả mạo của luật sư Trương Đình Tùng sai thì đã rõ nhưng HĐXX đã phát hiện kịp thời, chưa có hậu quả nghiêm trọng xảy ra nên chỉ cần nhắc nhở tại tòa, yêu cầu luật sư rút kinh nghiệm là được.
Đồng tình, một thẩm phán khác của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM là Thẩm phán Nguyễn Thành Văn cũng nhận xét: “Đây chỉ là vụ án dân sự, hơn nữa sự việc được phát hiện ngay tức thời, chưa có hậu quả gì thì nên nhắc nhở là chính. Có chăng là luật sư Trương Đình Tùng đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Nếu đương sự phía bên kia thấy mình bị thiệt hại từ những chứng cứ giả mạo mà tòa phúc thẩm không giải quyết thì có thể làm đơn gửi cơ quan điều tra hoặc khiếu nại đến Đoàn Luật sư TP.HCM, nơi luật sư này đang công tác để yêu cầu xử lý”.
Về mặt pháp lý, một luật sư Đoàn Luật sư TP.HCM (xin giấu tên) khẳng định nếu tòa yêu cầu cơ quan điều tra xử lý hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án của luật sư Trương Đình Tùng thì cũng không có gì sai. Bởi lẽ cấu thành của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 BLHS không đòi hỏi người phạm tội phải gây ra hậu quả nghiêm trọng mà chỉ cần có hành vi cố ý cung cấp chứng cứ giả mạo như trên là đã có thể xử lý.
Tuy nhiên, với trường hợp cụ thể này, vị luật sư trên cũng tán thành việc không cần thiết phải yêu cầu cơ quan điều tra vào cuộc vì “chưa đáng để xử lý hình sự”.
Chưa ai khiếu nại, tố cáo Đoàn Luật sư TP.HCM chưa nhận được đơn từ khiếu nại hay tố cáo của đương sự nào liên quan đến việc luật sư Trương Đình Tùng cung cấp chứng cứ giả tại tòa và cố tình phôtô sót tài liệu nên không thể bình luận gì vì chúng tôi chỉ giải quyết khi có đơn từ yêu cầu. Tuy nhiên, xét trên quan điểm cá nhân của tôi thì sự việc cũng không đến mức phải xử lý hình sự. Nếu thấy sự việc nghiêm trọng, có hậu quả xảy ra thì tòa cũng đã kiến nghị gửi cơ quan điều tra vào cuộc rồi. Đằng này tòa chỉ nhắc nhở, yêu cầu luật sư rút kinh nghiệm thì chắc chưa đến nỗi. Còn xét đến việc luật sư có vi phạm đạo đức nghề nghiệp hay không, nếu có đơn khiếu nại hay tố cáo thì Đoàn Luật sư TP sẽ yêu cầu luật sư Trương Đình Tùng giải trình, sau đó đoàn luật sư sẽ tiến hành xác minh và có hướng xử lý cụ thể. Luật sư NGUYỄN ĐĂNG TRỪNG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM |
PHAN THƯƠNG