|
Người điểu khiển phương tiện không phải chứng minh vấn đề "chính chủ" của xe mình đang đi. Ảnh: VNE |
Hôm nay, Thông tư 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an bắt đầu có hiệu lực, trong đó nội dung đáng chú ý nhất là việc triển khai thực hiện xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (gọi tắt là không “chính chủ”).
Tuy nhiên, để tránh sai sót trong xử lý và giúp người dân hiểu đúng thông tư này, Bộ Công an đã có văn bản gửi lãnh đạo công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện.
Theo đó, người điều khiển phương tiện không phải chứng minh xe mình đang đi là xe mượn hoặc xe của gia đình. Nhưng, trường hợp xe bị tạm giữ và bị xác định có hành vi sai phạm, người tham gia giao thông sẽ bị truy phạt. Việc xác định sai phạm về chuyển quyền sở hữuthông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe.
Cụ thể, chỉ đạo của Bộ Công an như sau:
- Lực lượng CSGT và các lực lượng cảnh sát khác được huy động tham gia công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) không dừng xe trên đường hoặc khi xử lý các vi phạm khác không được yêu cầu người điều khiển phương tiện phải chứng minh là xe đi mượn, xe của gia đình… để kiểm soát phát hiện vi phạm và xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”;
- Đối với đăng ký xe, không xử phạt các trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định;
- Đối với trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ, thông qua cơ sở dữ liệu đăng ký xe hoặc xác minh để xác định hành vi vi phạm;
- Không yêu cầu người vi phạm hoặc chủ phương tiện phải chứng minh;
- Nếu hết thời hạn tạm giữ phương tiện nhưng không xác định có hành vi vi phạm “không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” thì người có thẩm quyền phải ra quyết định xử phạt đối với hành vi đã vi phạm và làm thủ tục trả phương tiện theo quy định.
Việt Nguyễn