Gần đây đã xuất hiện nhiều trường hợp luật sư ra tòa bào chữa theo kiểu nước đôi: Vừa khẳng định bị cáo không phạm tội, vừa trình bày các tình tiết giảm nhẹ để yêu cầu tòa xem xét. Theo nhiều chuyên gia, cách bào chữa này thể hiện nghiệp vụ yếu kém của luật sư.
Trong phiên xử một vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mới đây tại TAND TP Đà Nẵng, trong phần tranh luận, bị cáo kêu oan là mình không có ý định chiếm đoạt tài sản mà do kinh doanh thua lỗ nên tạm thời chưa trả nợ mà thôi…
Vừa nói vô tội, vừa xin giảm nhẹ
Luật sư của bị cáo hùng hồn khẳng định quan điểm rằng thân chủ mình không phạm tội. Tuy nhiên, đến cuối phần tranh luận, luật sư lại vớt vát: “Nếu trong trường hợp tòa cho rằng thân chủ của tôi có tội thì tôi xin nêu các tình tiết giảm nhẹ sau đây để tòa xem xét”. Tiếp đó, luật sư… nêu hàng loạt ý kiến tranh luận theo hướng thân chủ phạm tội nhưng phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ...
Do luật sư vừa nhận định thân chủ của mình vô tội, vừa cho rằng thân chủ có nhiều tình tiết giảm nhẹ để đề nghị tòa xem xét khi lượng hình, chủ tọa phiên tòa buộc phải chất vấn để làm rõ: “Tóm lại quan điểm của luật sư là bị cáo vô tội hay có tội nhưng xin giảm nhẹ?”. Luật sư đáp: “Tôi nêu các luận cứ chứng minh bị cáo vô tội nhưng nếu khi nghị án, tòa không tuyên bị cáo vô tội thì tòa phải xem xét tới phần giảm án cho bị cáo như những tình tiết giảm nhẹ mà tôi đã tranh luận trên” (?!).
Tòa: Khó ghi vào bản án
Theo nhiều thẩm phán, chuyện luật sư bào chữa theo kiểu nước đôi như trên đã xảy ra trong không ít phiên tòa hình sự gần đây, thường rơi vào các luật sư trẻ. Gặp trường hợp oái oăm này, tòa rất khó để ghi vào bản án về phần luận cứ của luật sư. “Không lẽ lại ghi rằng luật sư có hai luồng quan điểm là bị cáo vừa vô tội lẫn vừa có tội” - một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng nói.
Vị thẩm phán này kể ở phiên xử nào mà gặp trường hợp luật sư bào chữa nước đôi, ông thường phải hỏi đi hỏi lại rằng quan điểm chủ chốt của luật sư là bị cáo có tội hay không có tội. Nhiều luật sư cứ khăng khăng “không có tội nhưng nếu tòa cho là có tội thì xin giảm án”. Cuối cùng, trong bản án vẫn phải nêu rõ quan điểm của luật sư là… hai hướng cụ thể như vậy.
“Phải đào tạo lại”
Luật sư Lê Thị Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng bất cứ luật sư nào ra tòa để bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho thân chủ cũng phải có sự thống nhất về quan điểm bào chữa, có chính kiến và lập trường rõ ràng. Nếu luật sư cho rằng bị cáo vô tội thì phải nêu ra các dẫn chứng, chứng minh thân chủ của mình vô tội. Còn nếu xin xem xét giảm nhẹ hình phạt thì rõ ràng luật sư đã xác định bị cáo có tội. “Luật sư nêu cùng lúc hai quan điểm thế này thể hiện sự lấp lửng, bất nhất trong quan điểm bào chữa, chưa có sự dứt khoát, rõ ràng” - luật sư Thanh nhận xét.
Một luật sư từng bào chữa theo kiểu nước đôi thì biện bạch: Sở dĩ luật sư bào chữa như vậy bởi muốn làm tròn trách nhiệm của hợp đồng đã ký với thân chủ, muốn đảm bảo tối đa quyền lợi của thân chủ. Vì nếu luật sư nêu quan điểm bị cáo vô tội nhưng sau đó tòa không đồng tình mà vẫn tuyên bị cáo có tội, tuyên án thì vô tình bị cáo đã mất đi quyền đưa ra các tình tiết giảm nhẹ và yêu cầu tòa xem xét. Vì vậy, luật sư nêu cả hai quan điểm nhằm để tòa xem xét toàn diện hơn chứ không ảnh hưởng gì tới quyền lợi của các bên.
Không đồng tình, luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) thẳng thắn: “Luật sư bào chữa theo kiểu nước đôi thế này thì cần phải đem đi đào tạo lại. Để thuyết phục được hội đồng xét xử, bản thân luật sư phải thể hiện sự tin tưởng của mình vào các lý lẽ, lập luận mà mình đưa ra. Việc bào chữa nước đôi thể hiện rằng luật sư không tin tưởng vào các lý lẽ, lập luận của mình. Chính mình còn không tin mình thì thuyết phục được ai.”.
Cùng ý này, một kiểm sát viên VKSND quận Sơn Trà (TP Đà Nẵng) bổ sung thêm: “Theo luật, VKS và tòa đều có nghĩa vụ xác định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo. Vì vậy, cho dù luật sư không nêu ra các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo thì hội đồng xét xử cũng phải xem xét đầy đủ khi quyết định hình phạt. Nếu xem xét không đầy đủ, bị cáo còn có quyền kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa sai. Do đó, lấy lý do này để biện hộ cho chuyện bào chữa nước đôi là hoàn toàn không ổn. Bản thân luật sư khi tranh luận đã không tin tưởng bị cáo vô tội thì khó lòng mà thuyết phục được hội đồng xét xử”.
Yếu kém về nghiệp vụ Luật sư ra tòa phải thể hiện quan điểm, lập trường rõ ràng. Việc luật sư vừa cho rằng bị cáo có tội vừa cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì đã có sự mâu thuẫn trong quan điểm bào chữa bởi có tội thì mới xin giảm nhẹ. Những trường hợp này vẫn thường xảy ra với những luật sư bào chữa theo yêu cầu của bị cáo. Theo tôi, họ bào chữa như vậy để thể hiện cho thân chủ thấy rằng mình đã làm hết trách nhiệm. Nhưng cách bào chữa này cần phải tránh vì thể hiện sự yếu kém về nghiệp vụ của luật sư. Thẩm phán NGUYỄN THỊ THU HÀ, Chánh án TAND quận Hải Châu, TP Đà Nẵng |
DƯƠNG HẰNG