Như Pháp Luật TP.HCM đã nêu trong các số trước, nhiều chuyên gia pháp luật đề nghị giữ quy định cụ thể về điều kiện bắt người đã được ghi rõ trong hiến pháp hiện hành. Số này, chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.
Bỏ là bước thụt lùi
Việc bỏ quy định cụ thể về điều kiện bắt người tại khoản 1 Điều 22 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (HP) 1992 là một bước thụt lùi so với HP hiện hành. Bởi về bản chất, khoản 2 Điều 71 HP hiện hành là sự bảo đảm cho việc thực thi pháp luật của Nhà nước đối với công dân. Cạnh đó, nó cũng đề cao vai trò tối thượng của HP như là một đạo luật gốc, ghi nhận một nguyên tắc bất di bất dịch trong việc pháp luật bảo vệ quyền con người. Về mặt kỹ thuật lập pháp, việc ghi nhận là cần thiết, còn cụ thể hóa nguyên tắc đó thế nào thì còn phải có hàng loạt các quy định khác trong các luật, văn bản dưới luật liên quan.
Thực tế khi nghiên cứu pháp luật của nhiều nước trên thế giới, tôi thấy rằng họ đều ghi nhận nguyên tắc này trong HP và pháp luật. Bởi nếu không có nó sẽ mở đường cho sự tùy tiện, tạo ra cơ chế lỏng lẻo, dễ dẫn đến những trường hợp bắt, tạm giữ oan. Trong pháp luật nước ngoài nói chung, việc bắt giữ một công dân không hề dễ dàng, tất yếu phải có sự phê chuẩn và xuất phát từ mệnh lệnh của cơ quan tư pháp có thẩm quyền.
PGS-TS NGUYỄN THÁI PHÚC, Giám đốc Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp)
Việc quy định về điều kiện bắt người trong Hiến pháp hiện hành góp phần khẳng định chỉ có tòa án là cơ quan duy nhất tuyên bố một người có tội hay không. Ảnh: HTD
Cần giữ quy định
Việc quy định về điều kiện bắt người trong HP hiện hành góp phần khẳng định một nguyên tắc rằng chỉ có tòa án là cơ quan duy nhất tuyên bố một người có tội hay không. Còn việc cơ quan điều tra thực hiện lệnh bắt, ra quyết định tạm giữ, tạm giam… chỉ là thực hiện một số biện pháp điều tra cần thiết để chứng minh tội phạm mà thôi. Trong quá trình thực hiện các biện pháp ấy thì VKS sẽ giám sát cơ quan điều tra có tuân thủ đúng các nguyên tắc pháp luật hay không.
Việc diễn giải rõ điều kiện bắt người sẽ bổ nghĩa cho quy định về quyền bất khả xâm phạm về nhân thân tại vế đầu của khoản 1 Điều 22 Dự thảo sửa đổi HP. Vì vậy, cần phải ghi nhận quy định này vào Dự thảo sửa đổi HP để thực hiện.
Thẩm phán PHẠM CÔNG HÙNG, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM
Không chỉ giám sát, còn là trách nhiệm
Việc cần phải giữ lại quy định phải có quyết định của tòa hay có sự phê chuẩn của VKS khi bắt người xuất phát từ hai lý do sau:
Thứ nhất, các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền con người phải được xác lập và ghi nhận trong HP và pháp luật liên quan. Việc chỉ được bắt người khi có những điều kiện nói trên đã được cụ thể hóa trong luật và phát huy tác dụng tốt thì nên giữ lại. Nếu xảy ra tình trạng lạm dụng, tùy tiện hay khó thực hiện thì cần tăng cường vai trò giám sát của VKS.
Thứ hai, việc ghi nhận nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với mô hình tố tụng hình sự mà chúng ta đang xây dựng và hướng tới là nâng cao vai trò của VKS trong việc giám sát các hoạt động tư pháp và nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử. Từ đó tiến tới hình thành viện công tố, lấy tranh tụng tại tòa làm khâu đột phá trong cải cách tư pháp. Như vậy điều chúng ta đang phấn đấu đồng nghĩa với việc đặt trách nhiệm chứng minh tội phạm của VKS lên hàng đầu. Mọi hoạt động của cơ quan điều tra chỉ là hoạt động nghiệp vụ dưới sự chỉ đạo của VKS. Do đó việc bắt một người nào đó cần được VKS phê chuẩn là điều đương nhiên.
Chưa kể, giữ lại quy định hiện hành trong Dự thảo sửa đổi HP còn có lợi cho một chủ thể tham gia tố tụng hình sự khác là luật sư. Nó giúp mở rộng sự tham gia, tăng cường vai trò và vị thế của luật sư trong vụ án hình sự với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo.
LS PHAN TRUNG HOÀI, Đoàn Luật sư TP.HCM
Không thể mập mờ
Tôi cho rằng quyền cơ bản của con người là tối thượng, thiêng liêng nên không thể quy định mập mờ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Việc bắt giữ người càng phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật, thậm chí phải cụ thể hóa hơn. Thậm chí, không chỉ đơn thuần phê duyệt lệnh bắt trên cơ sở hồ sơ ban đầu của cơ quan điều tra mà VKS phải có các chứng cứ chứng minh khác về dấu hiệu tội phạm. Hoặc với các biện pháp hạn chế quyền con người khác như gọi hỏi, tạm giữ hành chính mà lâu nay công an và các cơ quan công quyền khác vẫn hay thực hiện cũng cần phải có sự phê chuẩn của VKSND để đảm bảo tính chặt chẽ hơn.
LS TRẦN CÔNG LY TAO, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM
Phù hợp xu thế chung
Về lý luận, các quyền về nhân thân của con người phải được ghi nhận trong HP. Song song đó, các quyền này phải được ghi nhận bằng pháp luật và phải có cơ chế thực hiện nhằm mục đích tránh lạm quyền. Nếu chỉ ghi nhận quyền mà không có cơ chế thực hiện quyền đó thì HP chỉ là tuyên ngôn nói cho vui chứ không đi vào thực tiễn cuộc sống.
Các quyền cơ bản như tự do thân thể, bất khả xâm phạm về thân thể là một trong số các quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người cần được HP ghi nhận. Do vậy việc quy định điều kiện bắt giữ cụ thể như Điều 71 HP hiện hành là cần thiết. Đây là nguyên tắc hình sự mà các nước đều phải tuân thủ cho dù mô hình tố tụng của từng nước khác nhau.
ThS PHAN ANH TUẤN, Trưởng bộ môn Luật hình sự, khoa Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM
THANH TÙNG