Kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự - điều này không ai muốn và pháp luật cũng không cho phép. Nhưng, trong nhiều trường hợp, đã “lỡ” rồi, thì giải quyết thế nào?.
Người muốn giữ, kẻ muốn buông
Báo chí vừa đưa tin về một vụ việc “đòi lại cô dâu sau 20 ngày cưới” xảy ra ở Bình Dương, khiến cơ quan chức năng lúng túng cách giải quyết. Chi tiết vụ việc cho thấy, đầu tháng 1/2013 anh Nguyễn Quốc Hùng (24 tuổi, ngụ xã Long Nguyên, H.Bến Cát, Bình Dương ) bị bại liệt 2 chân được hai bên gia đình đồng ý tổ chức đám cưới với chị Nguyễn Thị Yến (26 tuổi, ngụ P.Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị bại não bẩm sinh.
|
Đôi vợ chồng Hùng - Yến. |
Sau đám cưới khoảng 20 ngày, ông Nguyễn Hơn và bà Trần Thị Lân là cha mẹ chị Yến sang nhà đòi lại… con gái với lý do Yến bị bại não từ nhỏ, nói không rõ tiếng, suy nghĩ và nhận thức không thống nhất. Trong khi đó, con rể lại bại liệt nên không thể chăm sóc vợ được.
Tại sao không? Về vấn đề giấy chứng nhận sức khỏe, nhìn nhận tại Luật HN-GĐ hiện hành cho thấy, một bất cập khác trong vấn đề hôn nhân đối với người mất năng lực hành vi dân sự là ở Điều 10, quy định cấm người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn, song lại không có quy định nào bắt buộc phải tiến hành khám sức khỏe tiền hôn nhân, đã dẫn đến nhiều hệ lụy như câu chuyện chồng lên cơn dùng gậy quật chết vợ ở Hà Nội là ví dụ. Do đó, luật cần chặt chẽ hơn, bắt buộc phải khám sức khỏe tiền hôn nhân nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc. Đồng tình với quan điểm này, bà Hà Thị Thanh Vân, Phó Ban Chính sách pháp luật (TƯ Hội Phụ nữ Việt Nam) cho rằng mục đích của quy định về giấy chứng nhận sức khỏe trước khi kết hôn là để tránh những rủi ro hoàn toàn có thể kiểm soát được. Rất nhiều nước đã làm được, vậy mà vì sao ở Việt Nam vẫn còn xa lạ?. |
Tất nhiên là bản thân Hùng – chồng Yến và gia đình bên nhà trai không đồng ý với kiểu suy nghĩ giản đơn “thích thì cho (cưới), không thích thì đòi lại này”. Họ đã có đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết.
Cơ quan chức năng dù biết rằng vụ việc này có thể rơi vào trường hợp cấm kết hôn được quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Hôn nhân - Gia đình năm 2000, nhưng cũng đang rất lúng túng, bởi hai luồng quan điểm.
Thứ nhất cho rằng, về mặt bề ngoài tuy ai cũng nhận ra cô dâu bại não, nhưng để phán quyết điều đó chỉ có Tòa án. Mà chưa có đơn gia đình yên cầu thì tất nhiên chẳng Tòa nào làm.
Theo luồng quan điểm thứ hai thì bằng trực quan sinh động, cán bộ tư pháp cũng có thể nhận thấy những hành vi không bình thường của cô dâu và có quyền từ chối giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn, không cần phải chờ đến quyết định của tòa án. Sự việc cho đến lúc này chưa thể hạ hồi phân giải.
Không phải đến giờ, vấn đề kết hôn với người mất năng lực hành vi dân sự mới được quan tâm qua vụ việc trên. Trước đó, dù biết rằng pháp luật có quy định cấm, nhưng rất nhiều trường hợp “lỡ” kết hôn, để rồi bế tắc trong cách giải quyết.
Đơn cử như, vụ chị V. ở TP HCM (30 tuổi) sau khi kết hôn, chung sống một thời gian, nhận ra chồng mình có tiền sử bệnh tâm thần, nhưng gia đình anh giấu.
Chị gửi đơn đề nghị tòa trưng cầu giám định bệnh của chồng để làm thủ tục ly hôn, nhưng đề nghị của chị không được đáp ứng, vì bản thân chồng chị và gia đình đều khẳng định không hề có bệnh, trong khi theo luật, Tòa không thể cưỡng chế giám định.
Nên ưu tiên giải quyết ly hôn?
Từ các vụ việc trên, đã có quan điểm cho rằng Luật HN-GĐ hiện hành nên xem xét sửa đổi, bổ sung việc cưỡng chế trưng cầu giám định bệnh khi có yêu cầu, dựa trên thực tế hành vi, cư xử của đương sự trong mối quan hệ bạn bè, người thân, gia đình. Bên cạnh đó, việc giải quyết ly hôn cho người bị nghi ngờ mất năng lực hành vi dân sự là cần thiết, đáng phải quan tâm, nhằm tránh những hậu quả xấu.
Trên thực tế, đề xuất này cũng đã từng được cơ quan chức năng thực hiện khi họ “linh động” giải quyết vấn đề. Ông Phạm Xuân Phương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội kể một câu chuyện có thực là anh M., trú tại phường Láng Hạ (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bị mắc bệnh tâm thần nhưng bề ngoài vẫn giao tiếp, ăn nói bình thường. Gia đình cũng biết tình trạng sức khỏe của anh nhưng vẫn quyết tìm vợ cho M. với hy vọng biết đâu khi có vợ, bệnh tình sẽ khỏi.
Tuy nhiên, mỗi lần gần gũi vợ, tâm thần của M. lại bị kích động cao độ rồi anh chui tọt xuống gầm giường để lẩn tránh. Cứ như thế, sau 4 tháng về nhà chồng, vợ M. vẫn là “con gái”. Không thể chấp nhận tình trạng như vậy, vợ M. gửi đơn ly hôn với lý do chồng mắc bệnh tâm thần.
Tuy nhiên, M. và gia đình anh nhất quyết không chịu chấp nhận ly hôn cũng không chịu đi khám theo yêu cầu của cơ quan chức năng. “Không biết làm gì hơn, chúng tôi đành phải đưa cán bộ y tế vào tận gia đình M. để thẩm định và đưa ra kết quả. Chỉ khi ấy chúng tôi mới giải quyết được vụ ly hôn này”, ông Phạm Xuân Phương cho biết.
Trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân – Gia đình, Dự thảo sửa đổi Luật quy định những trường hợp cấm kết hôn bao gồm: người đang có vợ hoặc có chồng hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, vì lúng túng với quy định thế nào là người “mất năng lực hành vi dân sự”, nên Ban soạn thảo đã đề ra thêm một phương án là “người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể làm chủ hành vi của mình, bổ sung quy định về nghĩa vụ của các bên kết hôn phải có giấy chứng nhận sức khoẻ”.
Hồng Minh