Mắc mứu ở đây là do tòa án hoặc VKS cấp giám đốc thẩm tiến hành hòa giải hay đối thoại trước khi có kháng nghị giám đốc thẩm nhưng các bên không chịu thi hành biên bản hòa giải (hay đối thoại). Khi cấp giám đốc thẩm kháng nghị thì thời hạn kháng nghị không còn.
Vấn đề đặt ra là giai đoạn giám đốc thẩm tính từ khi nào. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan đến một số hoạt động của tòa án và VKS ở giai đoạn này.
Theo quy định của pháp luật, sau khi bản án hoặc quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật, những người tham gia tố tụng có quyền làm đơn đề nghị xem lại theo trình tự giám đốc thẩm. Tuy nhiên, các quy định về giám đốc thẩm trong luật tố tụng còn chung chung nên việc hiểu và thực hiện còn khác nhau.
Có ý kiến cho rằng giai đoạn giám đốc thẩm bắt đầu từ khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Giám đốc thẩm hoặc công văn trả lời cho người có đơn là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Theo ý kiến này thì sau khi “thụ lý” đơn đề nghị giám đốc thẩm là bắt đầu giai đoạn giám đốc thẩm; mọi hoạt động của tòa án hoặc viện kiểm sát sau khi nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm là nằm trong “quá trình” giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Trong giai đoạn này, tòa án hoặcVKS cấp giám đốc thẩm có thể tiến hành các hoạt động như xác minh, hòa giải hoặc đối thoại giữa các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, theo quy định của luật tố tụng (hình, dân, hành chính) thì “giám đốc thẩm là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”. Do đó, giai đoạn giám đốc thẩm chỉ bắt đầu sau khi có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và kết thúc bằng một quyết định giám đốc thẩm.
Như vậy, các hoạt động trước khi có kháng nghị không nằm trong giai đoạn giám đốc thẩm mà nó chỉ là hoạt động tiền tố tụng giám đốc thẩm. Hơn nữa, về nguyên tắc, sau khi bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật dù có đơn đề nghị giám đốc thẩm thì bản án, quyết định đó phải được thi hành. Chỉ khi nào có quyết định hoãn thi hành án của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì việc thi hành bản án hoặc quyết định đó mới tạm thời chưa thi hành. Nếu kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm dẫn đến bản án hoặc quyết định bị kháng nghị và trong quyết định kháng nghị đó có nội dung tạm đình chỉ thi hành án thì bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật tạm thời chưa được thi hành, chờ quyết định của Hội đồng Giám đốc thẩm. Nếu có kháng nghị nhưng kháng nghị không ghi tạm đình chỉ thi hành án thì việc thi hành án vẫn được thực hiện bình thường.
Việc tòa án hoặc VKS cấp giám đốc thẩm tiến hành hòa giải hay đối thoại trước khi có kháng nghị giám đốc thẩm chỉ có ý nghĩa tham khảo. Khi chưa có kháng nghị thì tòa án cấp giám đốc thẩm hoặc VKS không thể ra quyết định công nhận hòa giải thành. Nếu người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm lại căn cứ vào biên bản hòa giải thành hoặc biên bản đối thoại để không kháng nghị, dẫn đến hết hạn kháng nghị thì cũng không thể buộc các bên thi hành biên bản hòa giải thành hoặc biên bản đối thoại. Hậu quả là bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nghiêm trọng nhưng không được kháng nghị vì quá hạn.
Vì vậy, tòa án và VKS cấp giám đốc thẩm chỉ nên tiến hành hòa giải hoặc đối thoại sau khi đã có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm và quyết định công nhận hòa giải thành hay đối thoại có giá trị bắt buộc đối với các bên.
ĐINH VĂN QUẾ(Theo Tạp chí pháp luật)