Sau khi PLVN online đăng tải chuyên đề “Khởi kiện quyết định hành chính liên quan đến đất đai", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến về vấn đề đó. Phần lớn người dân bức xúc trước sự “bí mật” của quy định này, trong khi những người làm công tác tố tụng thì cho rằng người dân phải biết; còn giới luật sư và nghiên cứu khoa học thì cho rằng nên gia hạn về thời khởi kiện để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân.
|
Hình minh họa |
Người dân không biết là do hoàn cảnh
Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực từ ngày 01/7/2011 quy định thời hiệu khiếu kiện là 1 năm. Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội quy định: “Trong thời hạn 1 năm kể từ ngày Luật TTHC có hiệu lực, người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương từ ngày 1/6/2006 đến ngày Luật này có hiệu lực, nếu khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì có quyền khởi kiện tại TAND theo quy định của Luật TTHC”.
Đây là quy định hồi tố, xuất phát từ tình hình thực tế. Bởi lẽ, mặc dù từ ngày 01/6/2006 Luật Khiếu nại, tố cáo (sửa đổi năm 2005) đã quy định thẩm quyền của Tòa án, nhưng do quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nên các Tòa án không thụ lý giải quyết. Điều này gây bức xúc và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của một số người dân trong việc theo đuổi các vụ kiện hành chính liên quan.
Qua công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, một cán bộ công tác tại Bộ TN&MT chia sẻ: Hầu hết công dân khi đến khiếu nại đều không nắm được những quy định mới điều chỉnh các hành vi đã xảy ra trước đây. Thông tin về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo tinh thần Luật TTHC năm 2010 họ cũng không biết. Nhiều khi cán bộ cũng thông cảm cho người đi khiếu nại bởi hoàn cảnh sống của đa phần người dân, nhất là những người bị thu hồi đất, đều khó khăn hoặc ít quan tâm đến vấn đề pháp luật, chỉ khi có những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi thì mới tìm đến các cơ quan chức năng cầu cứu.
Đối với Bộ TN&MT, khi tiếp công dân hay xử lý đơn thư, những trường hợp khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính xảy ra từ ngày 1/6/2006 đến ngày Luật TTHC có hiệu lực, nay công dân vẫn tiếp tục gửi đơn thì Bộ sẽ có văn bản trả lời, hướng dẫn họ gửi đơn đến Tòa án giải quyết. Đây cũng là cách hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người dân của Bộ TN&MT.
Theo cán bộ này, để nâng cao nhận thức pháp luật của người dân cần phải gắn trách nhiệm của cơ quan có trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật. Hơn nữa, trong công tác tiếp công dân và tiếp nhận đơn khởi kiện, cán bộ tiếp, nhận phải giải thích rõ trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc khiếu kiện cũng như trong các vấn đề liên quan đến nội dung khiếu kiện. Qua công tác này, có thể giới thiệu một vài văn bản pháp luật mới cho người dân được biết (đặc biệt là những ngày tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo các cơ quan, hoặc trong trường hợp tiếp nhận đơn của các thẩm phán ở các Tòa án ….).
Ngoài ra, phải tích cực tuyên truyền pháp luật qua hệ thống thông tin, nhất là thông qua hệ thống loa phát thanh ở các địa phương, hoặc thông qua các cuộc thi về pháp luật do các địa phương tổ chức (qua các tình huống cụ thể). Việc làm này sẽ giúp người dân nắm bắt được các quy định mới của pháp luật.
Nên gia hạn nhưng tránh tùy tiện
Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân cũng như trong hoạt động giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên hiện nay, quy định về thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật TTHC còn nhiều vấn đề phải bàn.
Một số chuyên gia luật cho rằng, nên gia hạn thời hiệu khởi kiện để người dân có thêm cơ hội được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, vì hiện nay hầu hết người dân đều chưa nắm được thông tin này, số lượng các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai trong thời gian qua là rất lớn, trong khi đó số lượng Thẩm phán không nhiều. Một lý do nữa là nhận thức pháp luật của người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và thậm chí một bộ phận không nhỏ người dân thành thị vẫn hạn chế, người dân không nắm được những quy định của pháp luật nên đã vô tình bỏ qua quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, các quy định pháp luật thay đổi thường xuyên, người dân không cập nhật được chính sách pháp luật mới, có thể dẫn đến tình trạng một số người sẽ lợi dụng để trục lợi, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số hộ dân, gây khó khăn cho nhà nước trong công tác quản lý đất đai…
Vì những lý do trên, đa số luật sư, luật gia và người dân đều mong muốn có thể gia hạn thời hạn khởi kiện là 2 năm kể từ ngày Luật TTHC có hiệu lực. Điều này giúp người dân ý thức hơn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như giúp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Tòa án) không phải giải quyết những vụ việc tồn đọng kéo dài, gây mất thời gian, tiền bạc của cả người dân cũng như của Nhà nước.
Vân Anh