(Minh họa: Ngọc Diệp)
Thời gian qua, không ít văn bản mang tính pháp qui đã hoặc chuẩn bị ban hành đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của báo chí và nhân dân. Trong đó, nhiều qui định buộc phải rút hoặc tạm dừng thực hiện. Lý do là bởi có qui định thì trái pháp luật, có qui định thiếu tính khả thi, có qui định gây khó cho người dân.
Lý do rút qui định xóa đăng ký thường trú với người đi tù hoặc người xuất cảnh từ hai năm trở lên trong Dự thảo sửa đổi Luật cư trú vừa trình UB Thường vụ Quốc hội đã bị cho là không phù hợp. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện, đăng ký hộ khẩu thường trú là quyền bất khả xâm phạm của người dân. Việc xóa tên họ khi họ đi nước ngoài hoặc đi tù là vi phạm quyền này.
Qui định cấm người chống tiêu cực phát tán thông tin tại Thông tư 04 của Bộ GD&ĐT về sửa đổi Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2013 cũng phải bỏ sau khi ban hành một tuần, lý do là nội dung này trái với Luật khiếu nại, tố cáo, vi phạm quyền tố cáo của công dân.
Như vậy là chỉ trong 3 ngày (27/2 - 1/3), Bộ Công an và Bộ GD&ĐT đã phải rủt lại hai quyết định không phù hợp.
Thật ra trong nền hành chính của ta hiện nay, việc ban hành những qui định trái luật hoặc thiếu tính khả thi không phải là hiếm. Theo báo Lao Động điện tử ngày 23/8/2012, bài “Dân “nhờn luật” vì văn bản thiếu thực tế” phản ánh chỉ hơn 1 tháng, đã có 3 văn bản vừa mới được ban hành đã phải vội vã thu hồi lại hoặc bị đề nghị xem xét tính khả thi.
Thứ nhất là quy định chỉ được bày bán thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Lý do qui định này bị bỏ chỉ sau khi ban hành được một tuần là bởi nó thiếu tính khả thi, việc xác định miếng thịt đang bày bán đã quá 8 tiếng đồng hồ kể từ khi giết mổ hay chưa là chuyện không tưởng.
Thứ hai là
qui định mẫu Chứng minh nhân dân mới ghi họ tên cha mẹ. Qui định này không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em, xâm phạm quyền bí mật đời tư. Trước việc dư luận không đồng tình, Bộ Công an đã chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội tạm dừng việc thí điểm cấp CMND mẫu mới…
Thứ ba là qui định xử phạt đối với hành vi nghe điện thoại ở cây xăng được ghi trong Nghị định 52 của Chính phủ cũng bị đề nghị xem xét lại tính hợp lý và khả thi. Lý do là bởi nhiều trường hợp vi phạm nhưng không được phát hiện, xử phạt theo đúng quy định và cũng không có lực lượng tham gia xử phạt.
Có lẽ cho đến nay, chưa có trường hợp nào bị phạt vì hành vi này dù nó vẫn diễn ra hàng ngày ở mọi cây xăng và cũng cho đến nay, chưa có trường hợp cháy cây xăng nào do sử dụng điện thoại.
Dù với bất cứ lý do gì thì việc ban hành các quyết định trên là không thể chấp nhận. Nó thể hiện sự yếu kém, thiếu trách nhiệm, thái độ đùn đẩy và cả sự… "lú lẫn" của công tác hành chính, mà nói như dân gian “hành là chính”.
Tuy nhiên, có thể không chỉ dừng ở những lý do trên mà hình như nó còn có nguyên nhân bắt nguồn từ một nếp nghĩ “cai trị” trong một số công chức nhà nước. Từ trong tiềm thức, họ tự cho mình cái quyền ban phát và áp đặt cho dân chứ không hiểu và không muốn hiểu thực chất họ là những người “đầy tớ của dân”.
Nói cách khác, họ được nhân dân thuê làm việc đó và trả lương bằng tiền đóng thuế. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm phục vụ nhân dân một cách tốt nhất chứ không thể ban hành các quyết định một cách “ngẫu hứng” mà không cần biết những qui định đó có đi vào cuộc sống hay không.
Hậu quả của những qui định “lú lẫn” này là không nhỏ mà biểu hiện rõ nhất là người dân “nhờn luật”.
Thế nhưng điều ngạc nhiên là cho đến nay, hình như chỉ mới có Bộ NN&PTNT phê bình Cục Thú y vì qui trình soạn thảo chưa chặt chẽ.
Đã đến lúc cần phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân tham mưu này đồng thời có hình thức kỉ luật xứng đáng, thậm chí có thể cho thôi việc hoặc chuyển công tác khác.
Bùi Hoàng Tám