Hai vợ chồng có ba đứa con nên phần của chồng bà sẽ được chia bốn theo quy định của pháp luật về thừa kế. Năm 2004, ba đứa con của bà xin bà phần tài sản mà bà hưởng từ chồng và bà chỉ giữ 1/2 giá trị căn nhà. Thấy các con cần tiền làm ăn nên bà đồng ý và làm hợp đồng tặng cho một phần tại Phòng Công chứng số 5 (TP.HCM).
Sau đó, ba người con của bà thỏa thuận chỉ cho một người đứng tên và làm thủ tục giấy tờ. Năm 2010, khi có giấy tờ, người con này đã đem đi thế chấp vay 1 tỉ đồng của người khác. Không trả được nợ, căn nhà rơi vào tay người cho vay. Khi xong tất cả thủ tục, giấy tờ căn nhà sang tên mình, người chủ mới đến nhà yêu cầu bà Em bàn giao. Đòi nhà không được, người chủ mới kiện bà Em ra TAND quận Bình Thạnh.
Trong quá trình giải quyết vụ án, hòa giải, làm việc giữa các bên, bà Em khẳng định bà chỉ tặng cho các con phần nhà bà được hưởng thừa kế từ chồng sau khi chồng chết (tức 1/2 giá trị căn nhà của bà vẫn còn). Việc các con bà cố tình hiểu sai rằng bà cho toàn bộ phần của bà cũng như các cơ quan chức năng khác đổi chủ quyền căn nhà là vi phạm.
Xung quanh việc hợp đồng tặng cho nhà giữa bà Em và các con, năm 2012 UBND quận Bình Thạnh có công văn trả lời cho rằng hợp đồng tặng cho lập tại Phòng Công chứng số 5 thể hiện: Bà Em tự nguyện cho đứt ba người con một phần căn nhà, trong hợp đồng cũng nêu rõ đặc điểm là toàn bộ diện tích căn nhà được công nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Như vậy hợp đồng thể hiện phần diện tích bà Em tặng cho là phần diện tích thuộc quyền sở hữu của bà trong căn nhà.
Không đồng tình với văn bản trả lời trên, bà Em tiếp tục khiếu nại. Lúc này, Phòng TN&MT quận Bình Thạnh gửi công văn đề nghị Phòng Công chứng số 5 phúc đáp. Cuối tháng 12-2012, Phòng Công chứng số 5 trả lời rằng trong hợp đồng ghi nhận rõ hai bên là đồng thừa kế trong căn nhà. Bà Em tự nguyện cho đứt các con một phần căn nhà. Như vậy, phần nhà bà Em tặng cho là phần bà được thừa kế từ chồng.
Hai nơi có hai văn bản trả lời mâu thuẫn như trên và hơn hết trong hợp đồng tặng cho cũng không nêu rõ nên có thể rất khó cho tòa giải quyết vụ án. Trao đổi, công chứng viên Nguyễn Quốc Thịnh (Văn phòng Công chứng Phú Nhuận) cho biết hai công văn trả lời mâu thuẫn trên, về pháp lý tòa không nên dựa vào một trong hai công văn để xét xử bởi chắc chắn mỗi nơi sẽ có cái lý để bảo vệ quan điểm của mình. Tốt nhất, tòa nên xem rõ hợp đồng tặng cho, tìm hiểu nguyện vọng, ý kiến hai bên cũng như thực tế sự việc để có một phán quyết có cơ sở pháp lý cao nhất.
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích, luật không quy định tòa phải dựa theo công văn nào để xử và đương nhiên dựa vào hai công văn này để xử thì cũng không khách quan. Tuy nhiên, phải thấy rõ một điều rằng các đương sự đã tin tưởng phòng công chứng nên đã ra công chứng hợp đồng, thể hiện ý chí cụ thể hai bên. Trước khi công chứng, công chứng viên phải hỏi rõ là tặng-cho một phần hay toàn bộ và công chứng viên cũng cần giải thích ý nghĩa, hậu quả pháp lý việc tặng cho này. Tất cả phải ghi rõ trong hợp đồng tặng cho, nay hợp đồng không rõ ràng khiến đôi bên phải ra tòa nên phía công chứng cũng có phần lỗi. Vì vậy, sau khi ra tòa, cứ bên nào thua đều có quyền kiện, yêu cầu công chứng bồi thường. Về phía tòa, để xử vụ án này rất khó, chỉ có thể dựa vào lời khai, ý chí của các bên và bản lĩnh xét xử mà phán quyết.
Được biết hiện nay tòa vẫn chưa thể phán quyết phần thắng thuộc về ai. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới...
PHAN THƯƠNG (Tạp chí Pháp Luật)