Để hoạt động luật sư (LS) thực sự đảm bảo sự khách quan của lực lượng “bổ trợ” hữu hiệu cho hoạt động tố tụng, cùng với sự quản lý Nhà nước về hoạt động LS, không thể coi nhẹ yếu tố tự quản của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của giới LS và các tổ chức hành nghề LS.
|
Các luật sư tranh luận tại phiên tòa |
Từ “phát huy” đến khẳng định
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam Nguyễn Văn Thảo: “Tự quản là một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm sự độc lập, khách quan của hoạt động LS”. Với rất nhiều hoạt động, nhiệm vụ của tổ chức LS, tính tự quản được thể hiện quan trọng nhất qua việc đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên, góp phần khẳng định vị thế của nghề và đội ngũ LS trong xã hội.
Nguyên tắc “kết hợp quản lý nhà nước với phát huy vai trò tư quản của tổ chức xã hội-nghề nghiệp của LS” ngày càng được mở rộng cùng với sự hoàn thiện của thể chế về hoạt động LS. Năm 2006, Luật LS chỉ đề cập đến việc “phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS” thì Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS (sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013), chế độ tự quản của tổ chức LS được thực khẳng định theo nguyên tắc “Quản lý LS và hành nghề LS được thực hiện theo nguyên tắc kết hợp quản lý nhà nước với chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS, tổ chức hành nghề LS”.
Nhờ việc mở rộng qui định về chế độ tự quản của tổ chức LS, Liên đoàn LS Việt Nam (năm 2009) ra đời là bước ngoặt lịch sử để tính tự quản của tổ chức LS ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đánh giá của ông Thảo, hiệu quả của việc thực hiện tính tự quản của tổ chức LS thời gian qua còn có hiện tượng “tuyệt đối hóa” tự quản hay tư tưởng ỷ lại, thụ động do còn không ít các LS chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về ý nghĩa cũng như về nội dung tự quản đã khiến chế độ tự quản của tổ chức LS nhiều khi bị nhìn nhận sai lệch.
Kinh nghiệm về quản lý, điều hành trong điều kiện tự quản của tổ chức LS vẫn còn hạn chế, công tác giám sát, quản lý thành viên của Liên đoàn cũng như của các Đoàn LS còn chưa thật chặt chẽ, khả năng tự cân đối thu chi để có thể tự chủ về tài chính của nhiều Đoàn LS, đặc biệt là các Đoàn LS có ít thành viên gặp nhiều khó khăn dẫn đến kết quả công việc chưa cao và còn thiếu cơ chế phù hợp cho sự kết hợp giữa tự quản với quản lý nhà nước.
Tự quản tốt khi “nắm” được Luật sư
Có tự quản tốt, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức hành nghề LS mới “nắm” được thực chất hoạt động của các LS để có định hướng, đưa vào “khuôn phép”. Thực tế đã có những trường hợp LS, người hành nghề LS vi phạm pháp luật bị đưa ra xét xử, vi phạm đạo đức nghề nghiệp bị kỷ luật với hình thức cao nhất xóa tên khỏi đoàn LS…
LS.Nguyễn Minh Tâm (Đoàn LS TP.HCM) cho biết, 6 tháng sau khi Luật LS có hiệu lực (1-7/2007), Đoàn LS TP.HCM đã khiển trách 1 người, cảnh cáo 6, tạm đình chỉ tư cách thành viên 6 tháng với 1 LS, xóa tên 6 người; hay năm 2012, 16 LS của đoàn LS TP.Hà Nội cũng đã bị xóa tên khỏi đoàn do “nợ phí thành viên”… Còn không ít LS ở một số đoàn LS trên cả nước bị thu hồi chứng chỉ hành nghề, thẻ LS hay phải nhận các hình thức kỷ luật khác.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng làm “hoen hình ảnh giới LS” này là việc chức xã hội nghề nghiệp của LS và các tổ chức hành nghề LS chưa làm tốt hơn vai trò tự quản, để các LS “tự tung tự tác” mà không điều chỉnh kịp thời đến khi phát hiện ra sai phạm thì chỉ còn cách… kỷ luật.
Qua đó cũng cho thấy, phát huy vai trò tự quản của tổ chức LS quan trọng nhưng để thực hiện được thì cần có sự nhìn nhận đúng đắn về nội dung và các hoạt động tự quản. Do đó, tiếp tục phát huy vai trò tự quản của tổ chức LS là “con đường” rất thuận lợi để nghề và đội ngũ LS thực sự “không thể thiếu” trong đời sống xã hội nói chung và hoạt động tố tụng “vì công lý, công bằng” nói riêng, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của LS trong hoạt động tố tụng cũng như tư vấn pháp lý thời kỳ hội nhập.
BOX: “Liên đoàn LS Việt Nam, các Đoàn LS sẽ tập trung phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các địa phương và các Sở Tư Pháp triển khai thực hiện tốt những nội dung nhằm nâng cao hơn nữa vai trò tự quản của tổ chức LS đã được Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật LS qui định.
Bên cạnh đó là tăng cường năng lực tự quản của các tổ chức LS với việc tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn Liên đoàn LS, tổ chức Đảng ở các Đoàn LS và xây dưng và thực hiện có hiệu quả cơ chế kết hợp tự quản và quản lý nhà nước”, Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam khẳng định về phương hướng để tổ chức LS thực hiện tốt vai trò tự quản trong năm 2013 và những năm tiếp theo.
Huy Anh (Theo Báo Pháp luật)