Năm 2009, cần tiền xây nhà nên bà T. sang mượn bà L. 70 chỉ vàng. Hai bên lập biên nhận, thỏa thuận trong hạn sáu tháng bà T. sẽ trả lại đầy đủ.
Kiện trước hạn trả nợ
Đến hạn, bà T. xoay sở đủ nơi nhưng chỉ trả được năm chỉ vàng. Thấy bà T. đang gặp khó khăn, bà L. đồng ý cho nợ thêm chín tháng nữa rồi trả hết một lượt.
Tiếp đó, do làm ăn thua lỗ nên bà T. không thực hiện được giao kết với bà L. Để có thể thu hồi vàng, ngày 15-11-2011, bà L. lập giấy tờ, chấp nhận cho bà T. trả theo nhiều đợt, mỗi đợt một ít, cụ thể: Lần một trả năm chỉ vào ngày 15-1-2012, lần hai trả 15 chỉ vào ngày 15-6-2012, lần ba trả 15 chỉ vào ngày 15-1...
Trong quá trình này, bà T. đã trả được nợ vào lần thứ nhất. Tuy nhiên, đến gần ngày trả nợ lần thứ hai, bà L. nghe tin bà T. bị các chủ nợ khác xiết nợ nên vội vàng khởi kiện đòi bà T. trả hết vàng cho mình vì sợ con nợ mất khả năng thanh toán. Trước yêu cầu này, TAND huyện C. (Tiền Giang) chấp nhận thụ lý giải quyết.
Kháng nghị hủy án
Được tòa thông báo về vụ án, bà T. nộp tường trình thừa nhận nợ và hứa thực hiện đúng thỏa thuận ngày 15-11-2011. Tuy nhiên, quá thời hạn trả nợ vào lần thứ hai (ngày 15-6-2012), bà T. cũng không thực hiện lời hứa, nhiều lần tòa hòa giải cũng không thành vì bà T. kiên quyết chờ ngày tòa xử để rõ trắng đen nên tòa phải đưa vụ án ra giải quyết công khai. Qua xem xét, thấy chứng cứ rõ ràng, tòa tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bà T. phải trả 60 chỉ vàng còn nợ cho bà L.
Sau phán quyết của tòa, hai bên đương sự không kháng cáo. Tuy nhiên, ngay sau đó VKSND huyện đã kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm hủy án vì việc thụ lý giải quyết của tòa án cấp sơ thẩm chưa đúng pháp luật. Theo VKS, lẽ ra tòa án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn kiện với lý do chưa đủ điều kiện khởi kiện. Bởi khi bà L. nộp đơn kiện thì chưa đến thời hạn bà T. phải trả nợ lần hai như thỏa thuận vào ngày 15-11-2011 nên chưa xảy ra tranh chấp. Thời điểm này tòa án thụ lý vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
* * *
Phản hồi lại, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho rằng mặc dù lúc đầu tòa thụ lý vụ án là chưa đúng nhưng trong quá trình giải quyết, bà T. đã vi phạm kỳ trả nợ lần thứ hai nên tòa án vẫn có quyền tiếp tục xử lý. Mặt khác, sau khi tòa tuyên, các đương sự không kháng cáo nghĩa là đã thống nhất với bản án. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc “chuyện dân sự cốt ở hai bên”. VKS kháng nghị hủy bản án là áp dụng pháp luật một cách máy móc, gây thiệt thòi cho các đương sự...
Tòa thụ lý là sai Tôi đồng tình với quan điểm của VKS. Khi chưa xuất hiện tranh chấp, tòa không thể thụ lý giải quyết. Không thể nói rằng cứ thụ lý, sau đó có tranh chấp thì xử lý tiếp. Trong trường hợp trên, tòa nên hướng dẫn bà L. rằng khi nào bà T. không trả được nợ thì mới khởi kiện. Lúc ấy tòa thụ lý cũng chưa muộn. Quy định của pháp luật thì phải thi hành nghiêm chỉnh để tránh tình trạng lạm quyền hay mượn tay cơ quan chức năng để bênh vực người này hay người khác. Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết như trên vừa sai luật vừa gây thiệt thòi cho đương sự vì phải tới lui hòa giải, phải đóng án phí... trong khi việc vay mượn họ có thể tự giải quyết. VKS kháng nghị chính là đã chỉ ra sai sót để tòa rút kinh nghiệm khác chứ không thể nói rằng viện áp dụng pháp luật máy móc... Luật sư MAI THANH TÂM, Công ty Luật Mai Trần |
MINH KHÁNH (Theo Báo Pháp luật)