Chuyển nhượng cổ phần là một trong những quyền và nhu cầu thiết yếu của cổ đông khi tham gia vào công ty cổ phần. Để đảm bảo tính pháp lý cho giao dịch chuyển nhượng cổ phần thì bạn cần tiến hành theo một quy trình bao gồm nhiều bước.
Quy trình chuyển nhượng cổ phần bao gồm những bước cơ bản như sau:
Bước 1: Tìm hiểu các hạn chế nếu có sẽ khiến giao dịch chuyển nhượng cổ phần không thực hiện được.
Trong nội bộ công ty cổ phần thì có những trường hợp mà cổ đông không được quyền chuyển nhượng hoặc chỉ được chuyển nhượng khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
Trường hợp 1: Đối với cổ đông sáng lập trong công ty cổ phần thành lập dưới 03 năm.
Cổ đông sáng lập là người đứng ra thành lập và ký tên trên bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần. Trong thời hạn 03 năm đầu tiên, cổ đông sáng lập được hưởng những ưu đãi nhưng cũng phải chịu một số hạn chế theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp 2014:
“3. Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Trường hợp này, cổ đông dự định chuyển nhượng cổ phần không có quyền biểu quyết về việc chuyển nhượng các cổ phần đó.”
Quy định này được hình thành trên quan niệm “03 năm là quãng thời gian đủ để công ty cổ phần xây dựng chổ đứng trên thị trường, ổn định hoạt động”. Việc hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập nhằm hạn chế sự xáo trộn trong công ty cổ phần.
Trong trường hợp, bạn không phải là cổ đông sáng lập của công ty cổ phần đó và bên chuyển nhượng là cổ đông sáng lập thì bạn cần yêu cầu có thêm hai loại giấy tờ sau: quyết định và biên bản họp của đại hội đồng cổ đông về việc chấp thuận cho cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần.
Trường hợp 02: Cổ đông nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết
Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có nhiều phiếu biểu quyết hơn so với cổ phần phổ thông. Điều này tạo thuận lợi cho các chủ thể nắm giữ loại cổ phần này lợi thế khi tiến hành biểu quyết. Tuy nhiên, các chủ thể nắm giữ cũng phải chịu một số hạn chế như không được chuyển nhượng cho thủ thể khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2014:
“3. Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác.”
Nếu bạn không thuộc những trường hợp trên, thì bạn hoàn toàn có quyền chuyển nhượng cổ phần cho chủ thể khác một cách tự do.
Bước 2: Đàm phán và giao kết hợp đồng
Bạn cần đàm phán và giao kết hợp đồng với chủ sở hữu của số cổ phần mà bạn muốn nhận chuyển nhượng. Nội dung của hợp đồng bao gồm những điều khoản cơ bản như sau:
Tên hợp đồng, thời gian và địa điểm ký kết hợp đồng
Thông tin của bên chuyển nhượng
Thông tin của bên nhận chuyển nhượng
Mô tả đối tượng của hợp đồng chuyển nhượng
Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng
Quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng
Giá, phương thức và thời điểm thanh toán
Các chế tài xử lý hành vi vi phạm hợp đồng
Phương thức giải quyết tranh chấp
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng
Bước 3: Tiến hành các thủ tục cần thiết.
Trong trường hợp bạn nhận chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập thì bạn cần tiến hành thủ tục thay đổi thông tin về cổ đông sáng lập tại Sở kế hoạch và đầu tư. Trường hợp khác, bạn cần yêu cầu công ty cổ phần thay đổi thông tin cổ đông tại Sổ đăng ký cổ đông.
Như vậy, quy trình chuyển nhượng cổ phần bao gồm 03 bước căn bản như trên. Trong trường hợp bạn nhận chuyển nhượng cổ phần trong công ty đại chúng thì cần tham khảo thêm quy định của pháp luật về chứng khoán.
Trên đây là một số quy định chung nhằm mục đích tham khảo của http://luatsuhatinh.com/.
Liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn miễn phí!