Từ vụ rượu ngâm cây anh túc: Băn khoăn xử lý người uống
(Dân Việt) - Đó là nhận định của lãnh đạo cảnh sát phòng chống mà túy và các luật sư sau vụ bắt hơn 5.000 lít rượu ngâm cây anh túc (thuốc phiện) tại cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (Từ Liêm, Hà Nội) hôm 25.12.
Ngày 27.12, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường - Công an Hà Nội, cho biết đang đánh giá hàm lượng ma túy có trong số rượu thu tại cơ sở Thúy Gấu, điều tra nguồn gốc cây và quả thuốc phiện ngâm rượu. Loại rượu ngâm thân, quả cây anh túc này thường được dân nhậu gọi là “rượu 138” (tên Kế hoạch 138 do UBND tỉnh Yên Bái đề ra nhằm kiểm soát, xử phạt đối với người trồng cây thuốc phiện).
|
Uống rượu ngâm bằng quả, cây, rễ thuốc phiện vẫn là thói quen xấu của một số người (ảnh minh họa). |
Phải có tiền lệ
Theo một lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (Bộ Công an), về vụ bắt giữ số rượu có ngâm cây anh túc vừa qua tại Hà Nội, với số lượng như vậy bước đầu có thể nhận thấy cơ sở này có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Nói đến chất ma túy được hiểu là bao hàm những thứ liên quan đến ma túy từ dạng lỏng, dạng rắn, heroin, cocain, nhựa cần sa, nhựa thuốc phiện, lá, hoa, quả cây cần sa, quả thuốc phiện. Luật quy định việc tàng trữ, sản xuất, hay vận chuyển trái phép chất ma túy đều sẽ bị xử lý.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), nhằm trấn áp tội phạm về ma túy nên luật quy định đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự luôn, không phụ thuộc vào số lượng chất ma túy nhiều hay ít. Còn việc quy định về số lượng, hoặc các hành vi như phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần... mà Bộ luật Hình sự quy định là để áp dụng khung hình phạt với hành vi phạm tội đó.
Đối với trường hợp người nào có hành vi uống rượu ngâm chất ma túy (như loại “rượu 138”) và kết quả xét nghiệm là dương tính thì cũng được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Nó chỉ khác nhau ở cách thức đưa vào cơ thể. Hành vi này sẽ bị xử lý hành chính, nếu đã nghiện sẽ bị đưa đi cai nghiện.
Theo luật sư Tiến, Bộ luật Hình sự cũng có đề cập đến quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô, nhưng trong trường hợp này lại là quả thuốc phiện đã ngâm rượu. “Có lẽ cần phải có hướng dẫn thêm mới áp dụng để xử lý được. Vụ việc này khá hy hữu, nếu giải quyết tốt sẽ tạo thông lệ để xử lý những trường hợp tương tự mà theo tôi đang tồn tại khá nhiều trong đời sống hiện nay” - ông Tiến nhận định.
Vận chuyển, sử dụng “rượu 138”: Xử lý khó
Nhưng đó là trên lý thuyết, còn trên thực tế, trao đổi với phóng viên NTNN, một cán bộ điều tra thuộc Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy - Công an tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, việc người dân sử dụng “rượu 138” hiện nay khá phổ biến và đúng là những vấn đề pháp lý về loại rượu đặc biệt này vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Tuy nhiên, cán bộ này cho rằng, trong trường hợp một người dân sử dụng “rượu 138” với lượng lớn và bị lực lượng chức năng phát hiện có phản ứng dương tính với ma túy thì cũng có thể xử phạt hành chính với người đó. Tuy vậy, trường hợp này rất khó xảy ra vì khi ngâm rượu, hàm lượng chất gây nghiện trong thân, củ, rễ của cây anh túc cũng đã giảm đi đáng kể, khó có thể tạo nên một hàm lượng đủ lớn để có thể phát hiện được khi xét nghiệm nhanh.
Bên cạnh đó, để xác định người đó có thật sự nghiện ma túy hay không, cơ quan chức năng phải dựa vào kết quả điều tra tại địa phương, gia đình, xác định xem người đó có tiền sử sử dụng các chất gây nghiện không. Nếu đã xác định rõ thì mới có thể đưa người đó đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật, còn nếu không thì chỉ xử phạt hành chính.
Với trường hợp vận chuyển “rượu 138” mà bị bắt quả tang trên đường, lực lượng chức năng cũng sẽ tùy vào số lượng rượu mà xử lý. Nếu chỉ là khối lượng nhỏ, một vài bình ngâm để sử dụng trong gia đình, thì cơ quan chức năng cũng khó mà xử lý bởi khi này, rất khó xác định được hàm lượng chất gây nghiện hay ma túy trong “rượu 138” là bao nhiêu.
Lương Kết – Hải Phong