Theo đại diện Ủy ban Tư pháp, sự phát triển không ngừng của kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội đã làm phát sinh nhiều dạng hành vi nguy hiểm mới. Do đó chính sách hình sự cần phải được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong thời kỳ mới.
Theo TS Đỗ Văn Đương, nên hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự từ 14 tuổi xuống 12 tuổi do tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa. Ảnh: HTD
Sẽ có tội rải đinh trên đường bộ?
TS Đỗ Văn Đương (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp) đề xuất: Cần tội phạm hóa các hành vi xù nợ không trả, kinh doanh trái phép qua mạng, gây rối thông tin mạng, đòi nợ thuê, xâm nhập gia cư của người khác bất hợp pháp, buông lỏng quản lý người bị tâm thần, súc vật gây thiệt hại đến tính mạng, tài sản của người khác. Tương tự là các hành vi gian lận trong thi cử, gian lận trong xét tuyển viên chức, gian lận trong cấp phát học bổng, văn bằng, chứng chỉ.
Đặc biệt, để trừng trị thẳng tay và dứt điểm nạn “đinh tặc”, TS Đương đề nghị phải có thêm tội rải đinh trên đường bộ. Hiện nay hành vi rải đinh có thể bị xử lý về tội cản trở giao thông đường bộ nhưng còn khá khó khăn bởi tội này bắt buộc phải chứng minh hậu quả thực tế xảy ra. Trong khi đó, người bị hại thường là người đi đường không rõ địa chỉ, nếu họ không tự nguyện đến cơ quan công an khai báo việc bị dính đinh thì rất khó xử lý kẻ rải đinh.
Với nhóm tham nhũng, TS Đương đề xuất cần luật hóa tất cả hành vi tham nhũng trong Luật Phòng, chống tham nhũng thành tội phạm (hiện vẫn còn năm hành vi mà BLHS hiện hành chưa quy định). Ngoài ra, cần bổ sung các tội mới như tội mua bán chức quyền, tội cấp phép dự án trái pháp luật, tội ra các quyết định hành chính trái pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng, tội ra văn bản có tính pháp quy trái luật xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, công dân…
Bỏ tội đánh bạc, chứa mại dâm?
Song song với đề xuất tăng thêm tội danh, cũng có những ý kiến cho rằng cần dân sự hóa một số tội phạm hiện hành do mức độ nguy hiểm cho xã hội đã thay đổi, không nhất thiết phải xử lý hình sự nữa.
Chẳng hạn, nên bỏ tội đầu cơ vì nó không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường. Loại bỏ tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ để tập trung đấu tranh chống hành vi nhận hối lộ bằng cách khuyến khích người đưa và người môi giới tố cáo người nhận hối lộ.
Đặc biệt, có ý kiến khá táo bạo đề nghị nên bỏ hai tội đánh bạc và chứa mại dâm, thay vào đó là “tăng cường việc quản lý nhà nước, tạo ra hành lang pháp luật để tạo sự phát triển lành mạnh”. Ban hành quy định cho phép thành lập các điểm đánh bạc, mại dâm hợp pháp, hoạt động trong khuôn khổ có sẵn, nếu ai vi phạm sẽ dùng tiền để phạt nặng...
TS Đỗ Văn Đương cũng đề xuất nên mở rộng chủ thể thực hiện tội phạm theo hướng hạ độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự từ 14 tuổi xuống 12 tuổi. Bởi tình hình tội phạm ngày càng trẻ hóa, các băng nhóm tội phạm nhí ngày càng manh động quyết liệt. Vì vậy, nên quy định là từ 12 tuổi phải chịu trách nhiệm về tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm như người 18 tuổi về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chẳng hạn vụ giết người cướp tiệm vàng ở Bắc Giang, thủ phạm Lê Văn Luyện phải bị kết án tử hình thì mới tương xứng với hành vi gây ra.
Các hành vi khác bị đề nghị tội phạm hóa Với nhóm xâm phạm trật tự hoạt động tư pháp là các hành vi giúp người phạm tội trốn tránh trách nhiệm hình sự, lạm dụng việc bắt, tạm giam, dân sự hóa, kinh tế hóa, hành chính hóa các quan hệ hình sự, hoãn thi hành bản án quyết định của các cơ quan tư pháp trái pháp luật… Với nhóm xâm phạm trật tự kinh tế là các hành vi xâm phạm quy hoạch, nhập khẩu công nghệ cũ, tài sản cũ, kê khai tài sản không trung thực (ví dụ: kê khai quá cao hoặc quá thấp để hoang báo những điều thất thiệt, giấu giếm tài sản buộc phải kê biên theo quy định). *** Họ đã nói Không phải cứ phạt nặng là tội phạm giảm Theo cá nhân tôi thì về lý luận, không phải cứ tăng hình phạt là tội phạm giảm. BLHS không phải là cứu cánh cho công tác phòng, chống tội phạm. Còn nhớ khi BLHS năm 1999 chưa sửa đổi thì hình phạt về các tội về ma túy rất cao (có vụ tòa xử tử hình hàng chục người) nhưng tội phạm ma túy thời điểm đó không hề giảm. Do đó, việc sửa đổi phải làm rõ quan điểm dân chủ hơn theo các nghị quyết về cải cách tư pháp nhưng vẫn bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người phạm tội. TS NGUYỄN ĐÌNH QUYỀN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Không nên vì một vụ trọng án mà sửa luật Tôi không đồng ý với đề xuất hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự vì chưa phù hợp với điều kiện hiện nay. Chính sách hình sự nhân đạo của pháp luật và sự phát triển về thể chất phải phù hợp với khả năng chịu trách nhiệm. Nếu hạ thấp thì số lượng người chưa thành niên phạm tội sẽ tăng rất nhiều và có phần nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của xã hội. Không thể vì một trường hợp đặc biệt như vụ Lê Văn Luyện mà chấp nhận sửa luật theo hướng trên. TS TRỊNH TIẾN VIỆT, Trường ĐH Quốc gia Hà Nội |
THANH TÙNG - PHAN THƯƠNG