Giá trị ngang nhau
• Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC Hoàng Nghĩa Mai: Đề nghị bổ sung chủ thể có quyền thu thập chứng cứ - Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự bình đẳng, nâng cao chất lượng tranh tụng và phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại, đề nghị sửa chế định chứng cứ theo hướng: bổ sung ngoài cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng thì các chủ thể khác cũng có quyền thu thập, sử dụng chứng cứ. Đồng thời, cần mở rộng hơn các nguồn chứng cứ như băng ghi âm, ghi hình, đĩa điện tử và các phương tiện khác có khả năng ghi lại dấu vết tội phạm. |
TS. Lê Hữu Thể, Phó Viện trưởng VKSNDTC- cho biết, qua 8 năm thi hành, chế định về chứng cứ trong BLTTHS 2003 đã bộc lộ những hạn chế nhất định, không theo kịp yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Bởi vậy, trong lần sửa đổi BLTTHS tới đây, cần bổ sung nguyên tắc bảo đảm tính công khai, minh bạch, đầy đủ, toàn diện trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ; nghiên cứu mở rộng nguồn chứng cứ: ngoài vật chứng, lời khai, biên bản các hoạt động điều tra, xét xử và các đồ vật, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, kết luận giám định, cần bổ sung một số loại nguồn chứng cứ mới phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ…
Báo cáo kết quả khảo sát 8 năm thi hành BLTTHS 2003 của ngành KSND đã ghi nhận ý kiến đề xuất cần phải xây dựng Luật về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự là vấn đề cần thiết để nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, tăng dân chủ, giảm oan sai.
Đề xuất này được nhiều chuyên gia pháp lý trong ngành Kiểm sát đồng tình, vì cho rằng cần thiết phải có luật điều chỉnh riêng về vấn đề chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự mới khắc phục được những “nhược điểm” đã và đang vấp phải trong thực tiễn công tác tố tụng hình sự.
Đồng quan điểm trên, LS Phạm Thanh Bình (ĐLS Hà Nội) cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng Luật về chứng cứ và chứng minh trong TTHS, đây là vấn đề cấp bách nhằm nâng cao chất lượng xét xử án hình sự, đồng thời nhằm giảm thiểu, đẩy lùi tình trạng oan sai.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có quan điểm cho rằng, BLTTHS 2003 đã quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, chi tiết về chế định chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự. Bởi vậy chỉ cần thực hiện nghiêm, đúng và đầy đủ các quy định đó sẽ nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng hình sự chứ không cần thiết phải xây dựng thêm một đạo luật riêng về chế định này. Vậy có nên xây dựng Luật về chứng cứ và chứng minh trong tố tụng hình sự hay không, thiết nghĩ vấn đề này cần được cân nhắc thấu đáo.