Hoạt động của luật sư, cũng như mối quan hệ tương tác trong công việc của luật sư với các cơ quan Nhà nước gần đây được đặc biệt quan tâm. Vì lẽ đó, trong kỳ họp quốc hội thứ 4, khoá XIII vừa qua, luật Luật sư sửa đổi đã được đưa lên bàn nghị sự để luận bàn và đã được thông qua với khá nhiều nội dung mới bám sát thực tế. Đây được xem là văn bản pháp lý cao nhất, nhằm quản lý các hoạt động của luật sư hiện nay. Về mặt chuyên môn, trong luật Luật sư mới quy định để có thể hành nghề luật sư có phần khắt khe hơn.
Tuy nhiên, trong các quy định của luật nhiều người vẫn cho rằng, có những điểm đáng suy ngẫm. Cụ thể như trong điều 9 của luật Luật sư sửa đổi có đến 10 điều cấm với luật sư, nhưng lại chỉ có 1 điều cấm cản trở nghề luật sư. Như vậy có thể tạo ra tình huống thiếu công bằng trong việc bị cấm và được xem xét bảo vệ khi hành nghề. Đối với trường hợp điều tra viên của công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh bị kỷ luật vì xúc phạm danh dự, nhân phẩm của luật sư là việc làm cho giới luật sư đặc biệt quan tâm.
Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất - trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm cho rằng: "Trên thực tế, việc cơ quan tiến hành tố tụng gây khó dễ, cản trở luật sư diễn ra muôn hình vạn trạng, ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ như việc xem xét cấp giấy chứng nhận bào chữa, Luật quy định là sau 3 ngày phải ra quyết định, nhưng thực tế có khi luật sư phải đợi đến 5 ngày, 10 ngày, thậm chí hơn nữa. Nếu xét về quy định pháp luật, đây đúng là sai quy định. Tuy nhiên, không phải lúc nào luật sư cũng giải quyết bằng cách khiếu nại".
Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng theo quy định là 3 ngày nhưng nhiều khi luật sư phải đợi từ 5-10 ngày mới được cấp giấy chứng nhận bào chữa.
Liên quan đến vấn đề khá "tế nhị" là 10 điều cấm luật sư và 1 điều cấm cản trở luật sư, luật sư Phạm Văn Phất phân tích: "Nếu định lượng con số 10 và con số 1 thì đúng là có vẻ vênh nhau. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, 10 điều cấm kia, nếu luật sư không phạm vào, thì chẳng có gì đáng bàn. Điều đáng nói là nếu cơ quan Nhà nước phạm vào điều cấm cản trở nghề luật sư thì sẽ được giải quyết ra sao, để tạo sự công bằng?".
Đối với hành vi có lời lẽ xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của luật sư, theo luật sư Phất, điều này rất khó chứng minh. Trong trường hợp có người chứng kiến, còn có thể thu thập chứng cứ, còn nếu lúc giải quyết các thủ tục mà chỉ có luật sư và người đại diện cơ quan tiến hành tố tụng thì rất khó xác lập bằng chứng.
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Ngọc Biên - trưởng Văn phòng luật sư Cát Tường (Hà Nội) đánh giá: "Theo tôi, việc có 10 điều cấm luật sư, 1 điều cấm cản trở nghề luật sư là không công bằng. Tôi cho rằng quyền và nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng phải ngang với quyền của những người tham gia gỡ tội, tức là các luật sư. Hiện nay, qua thực tế hành nghề cho thấy, giai đoạn luật sư bị gây khó khăn nhiều nhất là khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra. Cơ quan công an thường đưa ra lý do đang ở giai đoạn điều tra ban đầu, nên không dễ tạo điều kiện cho luật sư tiếp cận để thực hiện các quyền của mình".
Nhiều luật sư được hỏi đều có chung quan điểm, hiện nay việc luật sư bị gây khó dễ khá phổ biến. Tuy nhiên, theo luật định, cơ quan nào (Công an, Viện kiểm sát hoặc Toà án) gây khó dễ, cản trở nghề luật sư trái quy định của pháp luật... luật sư phải khiếu nại đến chính cơ quan đó để giải quyết theo thẩm quyền. Thực tế cho thấy, cơ quan bảo vệ pháp luật phải xem xét, xử lý những hành vi trái pháp luật do chính "người nhà mình" gây ra là việc họ không dễ dàng "nuốt trôi".
Tình huống "vừa đá bóng, vừa thổi còi" này khiến cho quá trình hoạt động của luật sư gặp muôn vàn khó khăn. Nghề luật sư cũng là một nghề nguy hiểm, có luật sư bị hắt axit gây tổn thương trầm trọng, có văn phòng luật sư còn bị doạ... đốt.
Chính vì lẽ đó, trong quá trình hành nghề, luật sư rất cần được bảo vệ. Và cơ quan góp phần quan trọng trong việc bảo vệ cho quá trình hành nghề được diễn ra đúng quy định của pháp luật, an toàn trước các hiểm nguy lại chính là các cơ quan tiến hành tố tụng!
Đông Phương